Đồ cõi âm, người bán đến khuya, người than ế khách
(Dân trí) - Trong khi những người khác bán dè dặt thì bà Kiều Anh (chợ Vinh, Nghệ An) cho hay, với lượng khách quen ổn định và khách mua online, có những ngày phải bán đến tận nửa đêm mới đóng cửa.
Chợ Vinh là chợ đầu mối, cung cấp nhiều mặt hàng cho các địa phương ở Nghệ An, trong đó có mặt hàng vàng mã. Tại khu vực đình phía Tây, tập trung nhiều đại lý, ki ốt chuyên doanh mặt hàng này.
Để chuẩn bị cho dịp rằm tháng 7, nhiều tiểu thương đã nhập về lượng hàng lớn, cung cấp cho các chợ dân sinh và khách trực tiếp.
Bà Hà Thị Hạnh, tiểu thương chuyên bán đồ vàng mã tại chợ Vinh cho biết, thị trường vàng mã năm nay có sự thay đổi rõ rệt về chất lượng và mẫu mã.
"Người ta quan niệm trần sao âm vậy nên trên dương gian có gì thì dưới cõi âm cũng có thứ đó. Năm nay các mặt hàng như quần áo, tiền vàng... được sản xuất với giấy chất lượng tốt, kiểu dáng giống như hàng thật, màu sắc cũng đẹp hơn. Chúng tôi phục vụ khách hàng từ tiền vàng đến các sản phẩm như ngựa, nhà cửa, ô tô và cả điện thoại di động", bà Hạnh cho hay.
Theo nữ tiểu thương có 21 năm kinh doanh mặt hàng này, mặc dù chất lượng tốt hơn nhưng giá không có nhiều biến động. Các sản phẩm vàng mã được bán với giá 5.000 đồng/tập tiền vàng, sản phẩm quần áo có giá vài chục nghìn đồng tùy theo "mốt". Các phân khúc có giá vài trăm nghìn đồng thường là ngựa giấy, ô tô hoặc nhà cửa....
"Chất lượng giấy tốt, giá không tăng, nhưng không hiểu sao sức mua kém dù đã sát rằm tháng 7. Buổi sáng tôi bán cho khoảng 15 khách nhưng số lượng không nhiều. Nếu như trước đây, khách phải mua tiền trăm thì nay rút xuống một nửa, thậm chí chỉ 1/3. Tôi lấy về 2 bộ nhà, giá 230.000 đồng một bộ mà đến tận hôm nay chưa bán được cái nào", bà Hạnh cho hay.
Gian hàng bán bánh kẹo kiêm đồ cúng của bà Nguyễn Ngọc Lan (tiểu thương chợ Vinh) cũng thưa thớt khách mua. Thỉnh thoảng mới có một vài khách ghé qua, hỏi mua những món hàng cơ bản như tiền vàng, trầu cau và một vài bộ quần áo. Các mặt hàng có giá trị cao hơn ít được lựa chọn.
Theo bà Lan, sức mua giảm bên cạnh lý do kinh tế khó khăn, một phần nguyên nhân quan trọng là người tiêu dùng thay đổi tư duy. Truyền thống văn hóa vẫn được duy trì nhưng người dân dần có xu hướng tiết kiệm, tránh lãng phí và quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường.
"Mặt hàng vàng mã nay được bán online (bán qua mạng xã hội), chuyển đến tận nơi nên tiểu thương chợ truyền thống như chúng tôi cũng khó bán hơn. Chúng tôi có tuổi rồi, khó bắt nhịp hình thức bán online nên việc tiêu thụ cũng hạn chế", bà Lan nói.
Trong khi đó, bà Kiều Anh (chủ một sơ sở chuyên kinh doanh vàng mã tại chợ Vinh) lại thoăn thoắt sắp xếp, bổ sung hàng vào quầy. Theo nữ tiểu thương này, người Việt Nam có truyền thống hướng về tổ tiên và những người đã khuất.
"Rằm tháng 7 hằng năm là dịp để con cháu báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất. Người ít thì đốt tiền vàng, quần áo, người có điều kiện thì cúng xe ngựa, nhà cửa..., nói chung là tùy theo khả năng tài chính cũng như quan niệm của từng người. Có những khách chi cả triệu đồng để mua vàng mã dịp này", bà Kiều Anh cho hay.
Trong khi nhiều tiểu thương than ế thì bà Kiều Anh tiết lộ, với lượng khách quen ổn định và khách mua online, có những ngày phải bán đến 23-24h mới đóng cửa.
"Buổi ngày trời nắng nóng, khách cũng ngại đến chợ nên thường chọn chiều tối. Vả lại, tôi bán cả trên mạng nên khách đặt nhiều. Có hôm phải mở cửa đến khuya để soạn đủ hàng lễ giao cho khách", bà Kiều Anh nói.