Đình công diễn ra do thoả ước lao động kém
(Dân trí) - Do số lượng và chất lượng của Thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) thấp đã gây ra nhiều cuộc đình công trái pháp luật, ảnh hưởng tới quan hệ lao động và môi trường đầu tư VN.
Tại hội thảo Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa do Bộ LĐ-TB&XH và Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN ngày 17/3 tại Hà Nội, ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: hiện nay cơ chế đối thoại, Thoả ước lao động tập thể chưa được coi trọng, ý thức kỷ luật của NLĐ chưa cao. Chính số lượng và chất lượng của TƯLĐTT thấp nên đã gây ra nhiều cuộc đình công trái pháp luật, ảnh hưởng tới quan hệ lao động và môi trường đầu tư VN.
Theo báo cáo của các địa phương, trong số 551 DN để xảy ra đình công năm vừa qua, chỉ có 185 DN có tổ chức công đoàn cơ sở. Tại TP Hồ Chí Minh, trong 86 DN Nhật Bản có 91 % DN có tổ chức công đoàn nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao.
Ông Đặng Quang Điều, Phó Ban chính sách Kinh tế - xã hội, Tổng LĐLĐ VN cho hay, tỷ lệ DN ký thoả ước LĐTT khu vực DN Nhà nước khoảng 95%; DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 45-50%; DN dân doanh 55-60%. Theo ông Điều, chất lượng của hầu hết các bản thỏa ước còn thấp, mang tính đối phó, hình thức; pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Trong khi đó, cán bộ công đoàn chủ yếu là chủ DN hoặc phụ thuộc nhiều vào chủ DN, năng lực thương lượng hạn chế nên việc ký kết được thoả ước LĐTT chưa mang lại lợi ích thực sự cho NLĐ.
P. Thanh