1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đi tìm việc, "chị đẹp" U40 chới với khi được khuyên về bán hàng online

Hoài Nam

(Dân trí) - Cầm hồ sơ đi xin việc ở tuổi "trẻ đã qua, già chưa tới" chị Trần Lệ Ân (TPHCM) nghe không ít người khuyên: "Về bán hàng online cho khỏe, chị đẹp ơi!".

Bế tắc khi đi xin việc

Làm kế toán tài chính tại một doanh nghiệp ở Quận 5, TPHCM, chị Trần Lệ Ân vừa nghỉ việc cuối tháng 8 vừa rồi, khi công ty cắt giảm nhân sự và thêm một vài lý do cá nhân. 

Ở tuổi 38, lòng dạ chị rối bời khi cầm nộp hồ sơ đi xin việc. Chị Ân trải lòng: Bao năm đi làm, mình chỉ là một nhân viên "tà tà bậc trung", không nổi bật.

Đi tìm việc, chị đẹp U40 chới với khi được khuyên về bán hàng online - 1

Người lao động tại TPHCM làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp.

Nghiệp vụ chuyên sâu không xuất sắc, công nghệ kém, tiếng Anh thì bập bõm, chỉ giao tiếp cơ bản, lâu quá rồi cũng không dùng đến. Chị biết rõ cơ hội tìm việc mới hấp dẫn không dễ dàng chút nào.

Mới nộp hồ sơ mà chị đã thấy bế tắc, gửi CV vài nơi nhưng chưa thấy phản hồi.  Vợ chồng chị mua nhà còn vay ngân hàng nên vẫn còngánh nặng về tiền bạc. 

Không chỉ vậy, chị Trần Lệ Ân còn gặp nhiều áp lực khi đi xin việc ở tuổi này. Chồng và chị em trong nhà biết chị đôn đáo kiếm việc, đều nói về buôn bán gì đó hay mở bán đồ ăn online vì chị có khả năng nấu ăn... làm chị càng thêm chới với. 

Nhiều chị em cùng tầm tuổi với chị Trần Lệ Ân cũng chia sẻ chung tình cảnh: Nghỉ việc hoặc mất việc làm, họ lo lắng khi đi tìm công việc mới, có người xác định "bắt đầu lại từ con số 0".

Bày tỏ tình cảnh tại một diễn đàn nhân sự online, chị Ân nhận được nhiều nhất lời khuyên: "Về bán hàng online cho khỏe, chị đẹp ơi!"

Tìm hướng đi phù hợp 

Tìm việc làm trong bối cảnh dịch bệnh là điều không hề dễ dàng, nhất là khi ứng viên hội tụ nhiều yếu tố "hẹp cửa": Hạn chế về tuổi tác, chuyên môn không nổi bật, ngoại ngữ yếu, công nghệ kém... sẽ càng chật vật hơn. 

Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Trung Tính, phụ trách nhân sự của một công ty tư nhân ở TPHCM cho biết: "Khi các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, phụ nữ trung niên thường nằm trong nhóm nguy cơ cao".

Trong khi, tìm việc làm mới với họ cũng gặp không ít hạn chế, nhiều lĩnh vực, ứng viên lớn tuổi rất khó cạnh tranh với các bạn trẻ đầy năng lượng. 

Đi tìm việc, chị đẹp U40 chới với khi được khuyên về bán hàng online - 2

Nhiều chị em trung niên gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm (Một phụ nữ tại TPHCM làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp).

Theo anh Nguyễn Trung Tính, chị em có kinh nghiệm, có chuyên môn sâu về lĩnh vực nghề nghiệp thì luôn rộng cửa, nhất là ở các vị trí quản lý,  trưởng nhóm...

"Còn sau tuổi 35-40, nếu mọi thứ không xuất sắc hay chuyên sâu một nghề thì thực sự khó tìm việc", anh Nguyễn Trung Tính nhấn mạnh. Nếu ứng viên xác định theo đuổi công việc lâu nay, cần phải học thêm, nâng cấp khả năng nghề nghiệp. 

Gần đây, buôn bán online là lựa chọn của không ít chị em tuổi trung niên khi gặp khó khăn việc làm hay muốn làm mới bản thân, tìm sự tự chủ về thời gian, tiền bạc. Nhiều phụ nữ tìm được sự mới mẻ, thành công ở hướng đi ngày.

Vậy nên, khi chị em mất việc, rất dễ gặp lời khuyên "về bán hàng online cho khỏe". Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng phù hợp và có thể tồn tại được với công việc "tự do tự tại" này. 

Bỏ việc ở ngân hàng chuyển qua bán thực phẩm online, chị Đặng Thị Mai, 39 tuổi, ở Thủ Đức, TPHCM chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, không phải ai cũng có khả năng bán hàng online như một công việc chính thức. 

Nếu chỉ bằng trực quan, mọi người cứ tưởng chỉ cần rao lên, chốt đơn là có tiền nhưng chị Đặng Thị Mai cho biết: "Công việc đòi hỏi rất nhiều yếu tố, kỹ năng như cách viết content, xây dựng hình ảnh, tương tác, có khả năng công nghệ, khả năng xử lý tình huống...".

Hơn nữa, không phải ai cũng có thể thích nghi với môi trường làm việc mất đi sự kết nối với đồng nghiệp và tập thể. 

"Nhiều người sống khỏe với việc bán online nhưng không ai dám chắc có thể gắn bó với việc này lâu dài. Không ít chị em bỏ công sở đi bán hàng online được thời gian lại quay về với văn phòng", chị Đặng Thị Mai nói.

Tuy nhiên, chị Đặng Thị Mai vẫn có những suy nghĩ tích cực: Chị em đừng ngại bứt phá, bởi có thể trước đây tiềm năng của mình bị "ngủ quên" trong sự ổn định.

Điều cần nhất là mỗi người phải hiểu về năng lực bản thân để tìm hướng đi phù hợp. Và dù chọn lối đi nào, ai cũng cần học hỏi không ngừng để "tăng vốn" cho bản thân, thích nghi với thời đại cạnh tranh gay gắt.