Đếm lá thu tiền từ ...700 cây vạn tuế
Trồng 700 cây vạn tuế rồi “quên bẵng” đi vài năm, cô Nguyễn Thị Ngoan (SN 1966) ở xóm Trung, xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu (Nam Định) giờ lại có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ bán lá và bán cả cây.
Về xóm Trung, xã Hải Xuân tìm nhà cô Nguyễn Thị Ngoan rất dễ. Người dân ở đây chỉ đường, từ nhà văn hóa xóm đi vào cứ thấy vườn vạn tuế nào xanh mướt, rộng mênh mông ấy là nhà của cô.
Dẫn chúng tôi thăm 1 vòng vườn vạn tuế, cô Ngoan vui vẻ cho biết: “Cây vạn tuế nằm trong 5 bộ cây mang ý nghĩa tâm linh và quyền lực nhất Việt Nam. Với vóc dáng uy nghi, đẹp cổ kính, cây được ví như các tráng sĩ đứng canh gác mang đến cho gia chủ sức khỏe và hạnh phúc. Vạn tuế có sức sống mãnh liệt, chịu nóng, chịu hạn tốt nên được nhiều người trồng khắp nơi từ vườn nhà cho tới công viên, cây công trình, đình, chùa…”.
Đến nay, cô Nguyễn Thị Ngoan đã trồng vạn tuế được gần 10 năm, trung bình mỗi cây vạn tuế cao từ 1,3 – 1,5m, cá biệt có những cây to cao hơn 2 m.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông vốn chỉ độc canh cây lúa, vợ chồng cô Nguyễn Thị Ngoan cặm cụi làm ruộng, chăn nuôi thêm con lợn con gà. Tuy thu nhập không dư giả, nhưng cô Ngoan tâm sự, được cái vợ chồng yêu thương, bảo ban nhau làm ăn, con cái ngoan ngoãn học hành.
Cứ tưởng cuộc sống êm đềm trôi qua nhưng không lâu sau, chồng cô bị tai nạn đột ngột qua đời, để lại cho cô 2 đứa con thơ. “Lúc ấy cô vừa tròn 32 tuổi. Cuộc sống của mấy mẹ con tưởng như bị đảo lộn và lâm vào bế tắc hoàn toàn. Một mình cô thân góa phụ phải làm lụng vất vả nuôi 2 con ăn học, khó khăn lại chồng chất khó khăn”, cô Nguyễn Thị Ngoan bộc bạch.
Sau những ngày tháng đau buồn vì chồng mất sớm, không đầu hàng số phận, cô Nguyễn Thị Ngoan quyết tâm phải đứng vững, vừa làm tốt vai trò người mẹ, vừa đóng thêm vai trò người cha để làm điểm tựa cho 2 đứa con gái bé nhỏ. Ngoài cấy lúa, cô Nguyễn Thị Ngoan còn tận dụng mảnh đất của gia đình để trồng rau màu theo mùa, khi trồng khoai lang, khi gieo cà chua, rau muống, dưa hành…Mùa nào thức nấy, lúc nào trong khu vườn xinh xắn tràn ngập màu xanh của người góa phụ này đều có thứ rau gì đó để bán.
Theo cô Nguyễn Thị Ngoan, do vạn tuế là cây lâu năm mới được thu bán nên cô trồng xen các cây vạn tuế bé dưới các hàng cây vạn tuế lớn.
Thương mẹ một mình vất vả sớm hôm, 2 cô con gái của cô Nguyễn Thị Ngoan đều ngoan ngoãn, học hành giỏi giang và lần lượt đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Chồng mất sớm, các con lần lượt đi học xa nhà, cứ chiều đến cô Nguyễn Thị Ngoan ngồi thương chồng, nhớ con đến thẫn thờ. Vốn yêu thích hoa, cây cảnh, năm 2008 cô bèn dành 1 góc vườn rau màu để trồng hoa và 60 cây vạn tuế.
Theo cô Ngoan, có thể lấy trực tiếp các các chồi con trên cây mẹ để nhân giống vạn tuế. Do là cây ưa ẩm nên nếu trồng trực tiếp ở ngoài đất thì nên chọn thời điểm vào vụ Xuân (tháng 3-4) hay vụ Thu (tháng 8-9) trong năm. Nếu trồng trong chậu thời vụ có thể tiến hành quanh năm tùy vào điều kiện mỗi nơi.
“Lúc ấy chỉ nghĩ trồng vạn tuế để ngắm cho đỡ buồn, chứ không nghĩ đến làm kinh tế, bán được tiền đâu. Sáng chiều cô đều chăm sóc, bầu bạn với những cây vạn tuế, nụ hoa. Công việc này giúp cô vui, khỏe hơn mỗi khi con gái đi học xa nhà. Bẵng đi 2 năm, cây vạn tuế vươn mình lên cao, trổ thân, lá rất đẹp và có nhiều người đến hỏi mua lá vạn tuế. Lúc đầu chỉ 1.000 đồng/ lá, sau 2.000/lá và giá cao hơn. Thỉnh thoảng mỗi đợt bán lá cô thu được 2 triệu đồng, có đợt được 4 – 5 triệu đồng, mỗi năm cô cắt tỉa vài đợt bán lá vạn tuế. Thời đó, tiền có giá, cứ cần tiền cho các con ăn học là cô lại ra vườn cắt tỉa bán lá vạn tuế. Thấy vạn tuế trồng cho thu nhập khá, cô bèn cải tạo hết mấy sào vườn rau màu để trồng 700 cây vạn tuế”, cô Nguyễn Thị Ngoan kể chuyện.
“Đến giờ 2 cô con gái bé nhỏ ngày nào đã tốt nghiệp, lập gia đình và có công việc ổn định ở Hà Nội. Mấy năm nay, cô lên Hà Nội chăm sóc, đỡ đần bế cháu cho các con gái. Ưu điểm là giống cây vạn tuế có sức sống mãnh liệt, chịu nóng, chịu hạn tốt, do đó kỹ thuật trồng cây này tương đối đơn giản, không đòi hỏi chăm sóc nhiều. Vườn vạn tuế cô cứ để đó, khoảng 2 – 3 tuần thì về quê tưới nước, làm cỏ, bón phân cho cây”, cô Nguyễn Thị Ngoan chia sẻ.
Đến nay, cô Nguyễn Thị Ngoan đã trồng vạn tuế được gần 10 năm, trung bình mỗi cây vạn tuế cao từ 1,3 – 1,5 m, cá biệt có những cây to cao hơn 2 m. Vừa rồi, cô Nguyễn Thị Ngoan mới bán 200 cây vạn tuế với giá trung bình 500.000/ cây, thu về cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, từ bán lá vạn tuế cô Nguyễn Thị Ngoan có thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng/năm.
Theo Danviet.vn