Bộ LĐ-TB&XH:
Đề xuất giảm 100% học phí cho người học có gia đình bị nhiễm Covid-19
(Dân trí) - Miễn, giảm 100% học phí tới học sinh, sinh viên thuộc gia đình có người bị nhiễm dịch Covid-19, giảm 15-20% học phí trong năm cho toàn bộ học sinh, sinh viên nhằm chia sẻ gánh nặng từ dịch Covid-19…
Đây là một phần nội dung báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH liên quan tới những tác động của dịch Covid-19 đối với lĩnh vực xã hội.
Theo báo cáo, đến ngày 16/3/2020, 63/63 Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến đầu tháng 4/2020.
Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất nghiêm trọng đến các hoạt động của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Trước hết là việc tuyển sinh đang gặp khó khăn, do hầu hết các hoạt động tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp là hoạt động tư vấn, hướng nghiệp trực tiếp tại các địa phương, các trường phổ thông, nhưng đã ko thực hiện được thời gian qua.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc tổ chức đào tạo đã chuyển sang hình thức trực truyến được coi giải pháp tình thế. Nhưng nhìn chung chưa có kế hoạch bài bản, chưa chuẩn bị chu đáo.
Ngoài ra, nhiều khó khăn, do điều kiện cơ sở vật chất của một số trường, năng lực giáo viên còn hạn chế. Mặt khác, đào tạo nghề chỉ đào tạo trực tuyến được một số nội dung môn học lý thuyết, không phải là tất cả, nên nếu kéo dài cũng là khó khăn lớn trong thực hiện kế hoạch của năm học.
Việc tuyển sinh khó đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra và ảnh hưởng đến chỉ tiêu phân luồng của Chính phủ. Khả năng dẫn tới tình trạng tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm sẽ bị ảnh hưởng.
Chất lượng đào tạo có nguy cơ bị ảnh hưởng vì thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên, như: Khởi nghiệp, kỹ năng nghề, hội thao, cuộc thi… đều bị ảnh hưởng đẩy lùi thời gian triển khai.
Mặc dù học sinh, sinh viên không đến trường, lớp nhưng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn phải duy trì hệ thống và các chi phí vận hành, chi phí thuê mặt bằng, trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ, giảng viên, giáo viên.
Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập không cân đối được thu, chi. Các khoản vay ngân hàng đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp không được trả đúng hạn và nguy cơ phá sản cao.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, trong đó, có đội ngũ giáo viên, giảng viên và người lao động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, tình hình nghỉ học kéo dài đã làm xuất hiện hiện tượng học sinh, sinh viên đợi chờ lâu, bỏ học đi làm việc để kiếm sống.
Đề xuất miễn, giảm nhiều nội dung
Trước tình hình tác động sâu rộng của Covid-19 đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị với Chính phủ.
Đối với người học, Bộ đề xuất việc miễn, giảm 100% học phí đối với học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình có người bị nhiễm dịch Covid-19, giảm 15-20% học phí trong năm 2020 cho toàn bộ học sinh, sinh viên.
Từ 1/1/2017, Bộ LĐ-TB&XH được giao quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp và 1.025 trung tâm giáo dục nghề nghiệp...
Trường hợp đối tượng được hưởng nhiều chính sách thì được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.
Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ đề xuất miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019, miễn các khoản thuế phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.
Bộ đề xuất việc miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập được đề xuất nhận gói hỗ trợ gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng. Điều này nhằm mục đích duy trì hoạt động thường xuyên, như: Chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác.
Trong đảm bảo hoạt động, Bộ đề xuất hỗ trợ kinh phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với toàn bộ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giảm các chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống bệnh Covid-19.
Mức hỗ trợ áp dụng trên số lượng học sinh hiện có và theo số lượng phòng học/điểm trường theo phân cấp ngân sách.
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH: Bổ sung kinh phí hỗ trợ các cơ sở xây dựng, giảng dạy học liệu điện tử các môn học để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảng dạy, học tập online; xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến đồng bộ trong ngành giáo dục nghề nghiệp; tư vấn, hướng nghiệp và hỗ trợ đào tạo lại cho người lao động mất việc làm do tác động của dịch bệnh Covid-19...
Hoàng Mạnh