Đề nghị tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện lên 50%

Hải An

(Dân trí) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Đề nghị tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện lên 50% - 1

Phát triển BHXH tự nguyện tại Quảng Trị

Tăng mức hỗ trợ và đối tượng tham gia

Ngày 18/8/2020, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 2620/BHXH-BT gửi Bộ Tài chính về việc đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Cụ thể, BHXH Việt Nam đề nghị: Nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Việc quan tâm đến người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng, hưởng BHXH một lần.

Theo dự kiến của BHXH Việt Nam về kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2021-2025, nếu Nhà nước hỗ trợ theo mức đề nghị này, số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người, đến năm 2030 dự kiến đạt 8,9 triệu người.

Đồng thời, số tiền chi hỗ trợ tăng dần từng năm đến năm 2025 ở mức 1.167 tỷ đồng (chiếm 0,3% chi cho an sinh xã hội) và đến năm 2030 ở mức 3.141 tỷ đồng (chiếm 0,71% chi cho an sinh xã hội).

Căn cứ đề xuất

Theo nhận định của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp do nguyên nhân từ chính sách và tổ chức thực hiện.

Về chính sách, mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Hiện người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30%, tương ứng 46.200 đồng/tháng, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng, các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng.

Đề nghị tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện lên 50% - 2
Cán bộ cơ quan BHXH tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người dân tại chợ dân sinh.

35 % người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH

Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1%.

Đến năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5%.

Số tiền hỗ trợ năm 2018 là 25.496 triệu đồng, năm 2019 là 90.467 triệu đồng và dự kiến năm 2020 là 170.000 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài (đủ 20 năm trở lên và đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam).

Về tổ chức thực hiện: Sự quan tâm vào cuộc của một số chính quyền các cấp, các ngành và BHXH tại một số địa phương trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện còn chưa quyết liệt.

Thu nhập của người dân còn thấp, không ổn định, trong khi đó hầu hết các địa phương chưa bố trí hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Người dân còn mong muốn Nhà nước có thêm chế độ, chính sách BHXH tự nguyện ngắn hạn khác, như: Ốm đau, sinh con, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để có nhiều lựa chọn khi tham gia BHXH tự nguyện.

Số lượng tham gia tăng dần

Theo BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH tự nguyện đã gia tăng nhanh chóng trong những năm qua.

Năm 2016 cả nước có trên 203 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện Năm 2017 có trên 224 nghìn người tham gia, tăng khoảng 10% so với năm trước.

Năm 2018 khi có hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước, số người tham gia tiếp tục tăng nhanh đạt trên 277 nghìn người, tăng 23,6% so với năm 2017.

Đặc biệt từ năm 2019, cùng với hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước và với những giải pháp đột phá trong tổ chức thực hiện thì số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng vượt bậc, đạt trên 574 nghìn người, tăng trên 296 nghìn người, tương ứng tăng 107% so với năm 2018.

Đến hết tháng 7/2020, đạt trên 737 nghìn người, tăng trên 163 nghìn người, tương ứng tỷ lệ tăng trên 28% so với năm 2019 và đạt tỷ lệ 1,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ gia đình nghèo năm 2018 là 2,93 nghìn người, chiếm 1,05% và số người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện là 4,39 nghìn người, chiếm 1,58% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Hộ nghèo, cận nghèo là đối tượng cần tác động

Năm 2019 số người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ gia đình nghèo là trên 6,5 nghìn người, chiếm 1,13% và số người thuộc hộ gia đình cận nghèo là 9,7 nghìn người, chiếm 1,70% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, so với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là số người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện 2 năm qua chỉ chiếm dưới 3% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện.