Đề nghị đổi mới căn bản chính sách tiền lương

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần sớm nghiên cứu đổi mới căn bản chính sách tiền lương sao cho tương xứng theo vị trí, hiệu quả công tác nhằm đảm bảo đời sống và khuyến khích người lao động nâng cao năng suất.

Các ĐBQH đoàn TP Hà Nội thảo luận tổ, chiều 25-5. Ảnh: Thuần Thư

Các ĐBQH đoàn TP Hà Nội thảo luận tổ, chiều 25-5. Ảnh: Thuần Thư

“Chúng ta đang bán thứ sản xuất được chứ không bán thứ thị trường cần”. Nhiều ĐBQH đã nhận định như vậy khi phân tích thực trạng sản xuất trong nước tại phiên thảo luận tổ chiều 25-5, về tình hình kinh tế xã hội 2014 và những tháng đầu năm 2015. Theo các đại biểu, nếu không thay đổi tư duy, kinh tế khó duy trì được đà phát triển bền vững.

Doanh nghiệp còn rất khó khăn

Tại tổ Hà Nội, các ĐBQH đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2014 cũng như những tháng đầu năm 2015. Điều này cho thấy, những giải pháp điều hành, chỉ đạo của Chính phủ là đúng đắn, hiệu quả. Tuy vậy, đi vào phân tích từng vấn đề cụ thể, các đại biểu đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, thậm chí cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn có thể đe dọa tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế nếu không được giải quyết kịp thời.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, các doanh nghiệp trong nước nói chung còn rất khó khăn, số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động nhiều, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu nộp thuế rất thấp, trong khi đó, vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài đang tăng lên. Đây là bài toán cần giải quyết bởi doanh nghiệp trong nước mới là xương sống của nền kinh tế quốc gia, mới đảm bảo cho phát triển bền vững.

Các ĐB Trần Thị Quốc Khánh, Bùi Thị An, Nguyễn Quốc Bình… phân tích, nếu không đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đồng thời giải quyết tốt khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì câu chuyện nông sản “được mùa, mất giá” không biết đến bao giờ mới giải quyết được.

Tương tự, tại tổ TP.HCM, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM chỉ ra, nền kinh tế những tháng đầu năm nay đã xuất hiện trở lại 2 vấn đề tồn tại từ nhiều năm trước. Đó là vấn đề tái nhập siêu và nền nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. “Thực tế nền nông nghiệp của chúng ta đang theo hướng bán thứ sản xuất được chứ không phải bán thứ thị trường cần. Nhà nước để người nông dân làm theo phong trào, tự phát, không có định hướng, quy hoạch và cuối cùng hậu quả là chính người nông dân phải chịu thiệt thòi” - ông Trần Du Lịch nói.
Cần có chính sách tiền lương phù hợp hơn để đảm bảo đời sống người lao động
Cần có chính sách tiền lương phù hợp hơn để đảm bảo đời sống người lao động

Phải quan tâm đến đời sống người lao động

Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, muốn nền kinh tế khỏe thì trước hết phải chăm lo tốt cho đời sống người lao động. Cụ thể, với tình hình khó khăn của nông dân hiện nay, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ vốn, thuế và các giải pháp căn cơ giúp người lao động vượt qua khó khăn.

Với người lao động là công nhân hay cán bộ, công chức, viên chức, Nhà nước cần có chính sách lương phù hợp để đảm bảo đời sống và khuyến khích họ nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, cần nghiên cứu xem xét, sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về hưởng bảo hiểm xã hội một lần để giúp một bộ phận công nhân lao động đỡ khó khăn.

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) phân tích, cần sớm nghiên cứu đổi mới căn bản chính sách tiền lương hiện nay, trong đó, việc phân chia, chi trả tiền lương phải minh bạch rõ ràng. Tiền lương phải đảm bảo thu hút được nhân lực, nhân tài thúc đẩy phát triển. “Nếu lương thấp như hiện nay, năng suất lao động khó tăng cao, khó có thể thu hút người giỏi.

Muốn vậy phải rõ ràng, lương phải trả tương xứng theo vị trí, hiệu quả công tác. Ngay cả khối hành chính công cũng nên làm vậy chứ cứ như hiện nay, tiền lương hành chính thấp nhưng chi phí ngoài lại cao, chỉ khổ người dân” - ĐB Phạm Huy Hùng nói.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề cập đến tình hình Biển Đông và nhấn mạnh đây là vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước đều hết sức quan tâm nên đề nghị thường xuyên có thông tin chính thống về chủ quyền quốc gia cho nhân dân nắm được, cùng chia sẻ và ủng hộ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh: Nhiều khó khăn khiến kinh tế có thể tăng trưởng chậm lại. “Năm nay, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức, tăng trưởng trong quý I-2015 sụt giảm hơn so với cùng kỳ 2014. Thị trường xuất khẩu hàng hoá nông nghiệp bị thu hẹp, không chỉ dưa hấu mà nhiều mặt hàng nông sản, nông lâm nghiệp khác rơi vào cảnh ế ẩm. Nhiều doanh nghiệp cao su cho biết, giá cao su lúc đỉnh cao là 150 triệu đồng/tấn nhưng nay chỉ còn 25 triệu đồng/tấn. Nhiều nơi bắt đầu chặt cây cao su bởi giờ càng làm càng lỗ.

Xuất khẩu gạo cũng khó không kém. Chúng ta sản xuất ra gạo nhiều nhưng chất lượng kém, khó cạnh tranh với các nước. Một số nước trước đây nhập khẩu nhiều gạo của chúng ta nhưng nay bắt đầu chính sách bảo hộ nông nghiệp, khuyến khích sản xuất trong nước. Thêm vào đó, khi thị trường thu hẹp thì các nước tham gia xuất khẩu gạo lại tăng lên, có những nước trước nhập khẩu gạo thì nay lại xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Pakistan, Campuchia… Vấn đề nông nghiệp cần bàn căn cơ hơn, thấu đáo, sâu sắc hơn. Nếu không có giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ, đến tháng 10 tới đây, tăng trưởng của Việt Nam sẽ bị chậm lại.

Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng ngành dịch vụ sụt giảm. Ví dụ như du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam tính chung 5 tháng đầu năm nay giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Chúng ta phải tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó cần tập trung vào nhóm doanh nghiệp trong nước. Việc này chúng ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp song hiệu quả vẫn chưa như ý muốn”.

Nguyễn Phan (Ghi)

Ông Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Cử tri mong Quốc hội tỏ rõ quan điểm về Biển Đông. “Không chỉ cử tri cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài cũng rất quan tâm, lo lắng trước việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông. Các quốc gia liên quan cũng đặc biệt chú ý tới những diễn biến trên Biển Đông, nên nếu cử tri có thêm nhiều thông tin về vấn đề này một cách sát thực, rõ ràng là điều hết sức cần thiết. Quan trọng là ngay trong kỳ họp, Quốc hội có đầy đủ thông tin, thấy được quan điểm chính thức của Đảng, Nhà nước và của từng đại biểu, cũng như ý chí chung của Quốc hội, để sớm chuyển tải đến cử tri, để cử tri thấy rằng đây là việc hết sức hệ trọng.

Khi đề nghị bổ sung nội dung nghe báo cáo về tình hình Biển Đông vào chương trình kỳ họp, tôi nêu rõ là Quốc hội cần tỏ rõ quan điểm của mình về vấn đề này, chứ không chỉ đơn thuần là thông báo một việc đã nghe, đã biết”. Hà Trang (Ghi)

Linh hoạt mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động. Sáng 25-5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Thống kê (sửa đổi); Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Về mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) linh hoạt theo ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, dự thảo đã quy định mức đóng tối đa 1% (thay cho mức đóng cố định 1% như trước đây). Bên cạnh đó, dự thảo đã chỉnh lý quy định về huấn luyện theo hướng tăng cường trách nhiệm và sự chủ động của người sử dụng lao động trong đào tạo, huấn luyện đảm bảo an toàn, vệ sinh cho NLĐ tại nơi làm việc để đảm bảo phù hợp với đặc điểm, quy mô và tính chất ngành nghề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thảo luận tại hội trường, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương khác đã xảy ra hàng loạt TNLĐ nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người đi đường. Do vậy, cần có quy định bảo đảm ATVSLĐ cho những người có liên quan bằng việc thêm cụm từ “những người khác” vào một số điều luật. Huệ Linh


Theo Báo An ninh thủ đô