"Dạy nghề vẫn loanh quanh việc sửa iPhone 10, dân đã dùng đến iPhone 16"
(Dân trí) - Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng nêu nghịch lý này và nhấn mạnh, đào tạo nghề phải thoát ly việc chỉ đào tạo những gì trường lớp, cơ sở có, mà phải đầu tư vào những ngành xã hội cần.
Ngày 12/12, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng, câu chuyện đào tạo nghề, giải quyết việc làm được các đại biểu quan tâm.
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, cho biết hiện nay công tác tuyên truyền chưa mạnh và nhận thức về học nghề của người dân chưa cao.
Một khó khăn nữa là trang thiết bị đào tạo cho các ngành, nghề mới ở các trường chưa chuẩn bị kịp.
Còn ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, cho rằng vấn đề dạy nghề, tạo việc làm luôn nhận sự quan tâm rất lớn của xã hội, đặc biệt trong điều kiện thành phố định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực mới.
Theo ông Thắng, ngoài chuyện cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, đất đai thì điều doanh nghiệp quan tâm nhất là khi vào Đà Nẵng có được nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu hay không.
Ông Thắng cho rằng, đào tạo nghề phải thoát ly ra việc chỉ đào tạo những gì sẵn có, mà phải đầu tư vào những ngành xã hội cần, đầu tư từ cơ sở vật chất, nội dung chương trình đến cả người dạy.
"Dạy sửa xe máy, ô tô mà toàn dừng ở phương tiện đời 2000-2010 trong khi người dân giờ đi toàn xe thế hệ mới rồi. Hôm rồi có đại biểu còn dẫn chứng, đào tạo sửa chữa điện thoại di động nhưng các cơ sở vẫn chỉ loanh quanh sửa trên iPhone 10 trở xuống trong khi người tiêu dùng đã xài đến iPhone 15, 16 thì người học ra nghề thế nào được", ông Thắng nêu vấn đề.
Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cũng nhận định, công tác tuyên truyền lĩnh vực việc làm của thành phố "chưa đến nơi đến chốn", đặc biệt là định hướng, vận động với nhóm học sinh không thi đậu lớp 10.
Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đặt câu hỏi, vì sao 90% bộ đội xuất ngũ trở về chọn đi học lái xe và tự lý giải, vì nghề này học xong ra đi làm được ngay, còn các nghề khác các trường đào tạo xong vẫn không làm việc được.
"Vấn đề quan trọng là định hướng, chuẩn bị cho công tác đào tạo, dạy nghề. Sắp tới, cùng với việc đổi mới, thành phố sẽ đón nhận các ngành nghề, lĩnh vực lớn hơn. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung vào đầu mối cụ thể, giúp cho việc định hướng đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp hơn", ông Thắng thông tin.