Dạy học: Nghề của lòng nhân ái, sống thanh cao
Kỷ niệm vào nghề của tôi thật vô cùng. Chẳng phải của riêng tôi, mà của thầy, của bạn, của học trò. Vào nghề dạy học rồi, tôi mới nghiệm ra điều này: Yêu mình nhiều thì chẳng còn mấy nữa mà để yêu nghề. Các thầy giáo của tôi đã chứng minh điều ấy, bạn đồng môn và học sinh của tôi đã chứng minh điều ấy.
Giờ, người mất, người còn, người chuyển ngành, người tận lúc về hưu vẫn là giáo viên, mỗi lần nhớ lại sao mà da diết, bâng khuâng, thương mến thế.
Ai bảo nghề dạy học là nhàn tản, có quyền, có thế, có địa vị cao sang? Từ lâu, nghề dạy học đã là nghề của lòng nhân ái, sống thanh cao. Dù có bảo đấy là nghề đưa đò thì khi chưa có cầu, không có đò, biết bao người sang sông làm sao được?
Tôi không nhớ chính xác từ thuở bé đến giờ đã được học bao nhiêu thầy giáo (còn cô giáo chỉ có 3 cô) và tên của các thầy, nhưng tôi nhớ là không có một thầy, cô nào là người giàu có, quan sang hết cả. Nghèo, ốm đau, bệnh tật, nheo nhóc thì có, song ý chí và tình nghề thì thật khó mà kể hết.
Cô giáo dạy tôi ở cấp Tiểu học - lớp cuối, khi lên lớp, từ đầu năm tới cuối năm học chỉ mặc có một cái áo dài màu trắng ngà. Chiếc áo khi nào cũng mềm mại, thẳng thớm, dù hồi đó cô không có bàn là. Bọn học trò chúng tôi tò mò dò hỏi, biết nhà cô rất giàu. Vì cô quyết theo đuổi nghề dạy học nên gia đình gần như bỏ rơi. Không hiểu sức mạnh từ đâu đã đến với cô mà cô không u uẩn, buồn rầu, cô luôn luôn tươi tỉnh, ân cần với học trò.
Năm ấy, cô mới 25 tuổi. Chưa chồng, ở nhà dân. Cô không hề nói to, nặng lời với một học sinh nào, mặc dù học trò nghịch như quỷ. Khi cô chuyển trường, xa cô, đám nữ sinh thì khóc, bạn nam sinh đứa mắt đỏ hoe, đứa đứng lặng.
Khi lên cấp Trung học, tôi có 2 cô giáo. Một cô quá tuổi chị, một cô gần tuổi mẹ, cả hai cô cũng đều nghèo, hiền dịu, dạy giỏi, học trò lộc ngộc, anh nào cũng một phép bởi cô mẫu mực và giàu tình cảm. Cũng lạ, các cô thuộc tên học trò rất nhanh. Chỉ sau mấy hôm hoặc mấy buổi lên lớp là cô đã nhìn mặt mà gọi đúng tên. Có lẽ là do thiên năng làm mẹ của người phụ nữ.
Khi học sinh làm bài, các cô không ra ngoài lớp, không làm việc gì khác, mà đi quanh lớp, sửa dáng ngồi, nhắc học trò tự làm bài, “cảnh cáo” nhẹ mấy cậu hay nhí nhoáy, gợi ý cho ai đó cắn bút loay hoay. Riêng tôi, khi học Sư phạm tôi vừa nhớ vừa học theo cách dạy và nhân cách của các cô.
Giờ, một cô đổi cõi đã mấy chục năm, hai cô từ bấy không biết ở nơi đâu. Trời để tuổi, các cô cũng đã qua 90 rồi. Học trò như chim bay đi ấy.
Với các thầy, vì là con trai nên chúng tôi dễ cởi mở hơn, kể cả khi bị mắng, bị phạt. Có thầy tôi sợ (chẳng hiểu vì sao) không dám đến nhà. Có thầy thì trần trùng trục ra suối tắm và câu cá ăn thêm cho đỡ đói với tôi khi tôi học trường nội trú - con em cán bộ (nay là trường THPT tỉnh Hòa Bình) từ năm 1949. Trường luôn phải di chuyển, nhiều đêm giữa đường, thầy trò cùng nằm đất, lót lá chuối.
Bữa ăn, chia nhau cái đầu cá khô mà ngon như ăn tiệc. Thấy học trò rách quá, thầy nhường quần áo cho. Đôi lúc học trò tếu, thầy mắng: “Cái thằng này!... láo!”. Nhưng khi lên lớp, thì lôi thôi cho vác gậy ngay (điểm 1). Lúc trưởng thành gặp lại, thầy gọi tôi là “anh” chứ không còn là “thằng” nữa. Tôi từng chứng kiến có thầy bớt phần gạo ít ỏi (18kg một tháng) tuần tuần đi bộ mang về cho cô nuôi các em ở nhà tận mấy chục cây số. Trong kháng chiến chống Pháp, chưa có sách giáo khoa, các thầy phải tự mang kiến thức, theo yêu cầu phân lớp, mức độ bài học, nhớ lại những gì đã học mà dạy cho học trò.
Từ thầy dạy Toán, Lý, Sử, Địa... đến thầy dạy Văn, trong tay chỉ có viên phấn và cuốn sổ nhỏ chuẩn bị lên lớp. Khi giảng, đúng là... tay trắng. Mà sao các thầy dạy hay thế, đúng thế. Cứ như móc bài ở trong túi ra mà chia cho học sinh vậy. Nhiều khi rất vui. Thầy dạy Thể dục thì lẻo khoẻo lèo khoèo, thầy dạy Lý thì nom như một đô vật. Vậy mà chúng tôi cứ lên lớp tơi tới, anh nào có chí thì mau trưởng thành. Lúc thầy già thì học trò tuổi đã cao. Mà trông các thầy vẫn như xưa, dung dị, cứ y như là... nhà giáo bao năm qua.
Có thầy trong buổi hàn huyên, vui hứng vỗ vai tôi: “Tớ biết cậu sẽ đi vào con đường văn chương mà...”. Thầy thân thiết mấy cũng không ai dám hỗn, dám nhờn, cậy mình đang thành đạt hơn thầy. Cho đến hôm nay, thi thoảng tôi mới được gặp lại một vài thầy. Phần lớn các thầy đã khuất núi. Bạn cùng trang lứa, đồng môn khi gặp nhau, anh nào thừa hưởng được đức độ, tài năng của thầy nào, chỉ câu trước câu sau, sau cái bắt tay là biết ngay, nhớ ngay.
Có anh bạn, lúc còn học, ăn mặc rất luộm thuộm. Giờ cúc áo gài kín từ cổ, vậy là cung cách của thầy X. Có thầy mãi không lấy được vợ. Lúc kết hôn, được hẳn một người phụ nữ khối người tấp tểnh mà không... ăn thua gì. Thầy ít nói và rất khiêm tốn, không quen mồm mép. Người bạn đời của thầy chân tình tâm sự: “Tôi yêu thầy giáo anh ở điều ấy. Tôi sợ người nói nhiều”. Vậy mà khi giảng bài, thầy lại hay giảng quá giờ, học sinh vẫn thích.
Đời người, ai đã cắp sách đến trường là có những ký ức về những người thầy giáo, cô giáo. Từng thầy, từng cô đi qua và để lại cho từng học trò hình bóng của mình một cách êm ả như mái chèo đẩy cho con thuyền bơi mà không gợn sóng. Lúc còn nhỏ thì quên. Khi lớn lên có lúc vô tư không nhớ.
Mười bảy tuổi tôi chọn ngành Sư phạm với ý nghĩ còn ngây thơ chỉ muốn mình là giáo viên như các thầy, các cô, chứ chưa nghĩ sâu xa lắm. Đến tuổi này rồi, nghỉ hưu rồi, tôi hoàn toàn thanh thản và tâm đắc với sự lựa chọn ấy khi bước vào đời...
Theo nhà văn Phong Thu/Báo An ninh Thủ đô