Căn cứ xác định chức danh nghề, tiền lương đóng BHXH
Việc xác định chức danh nghề, tiền lương đóng BHXH để làm căn cứ tính hưởng BHXH căn cứ vào hồ sơ làm việc của người lao động.
Ông Lưu Anh Tuấn (tỉnh Phú Thọ) làm công nhân may bậc 4, hệ số lương là 2,65 sau khi bổ sung chức danh nghề thành công nhân vận hành máy may công nghiệp. Công ty đóng BHXH cho ông Tuấn theo hệ số 2,65 bảng lương A2 Nhóm 1.
Khi ông Tuấn xin nghỉ hưu thì BHXH tỉnh trả lại hồ sơ với lý do hệ số bảng lương nhóm 1 không thuộc nghề nặng nhọc, độc hại. Ông Tuấn hỏi, ông phải làm gì để được hưởng chế độ đúng với công việc đã làm?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Tại Điều 6 Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định, việc chuyển, xếp lương phải đảm bảo theo nguyên tắc làm công việc gì xếp lương theo công việc đó trên cơ sở tiêu chuẩn, cấp bậc kỹ thuật công nhân, tiêu chuẩn xếp hạng của công ty.
Nghị định này quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước. Theo đó, hệ số lương 2,65 (bậc IV) nhóm I nhóm ngành “dệt, thuộc da, giả da, giấy, may” áp dụng đối với công việc “may công nghiệp: Đo đếm, trải vải, đánh số, sao chụp sơ đồ, lộn bẻ, phụ cắt may, thêu”.
Việc xác định chức danh nghề, tiền lương đóng BHXH để làm căn cứ tính hưởng BHXH căn cứ vào hồ sơ làm việc của người lao động.
Để được hưởng chế độ hưu trí đúng với công việc ông đã làm, tiền lương đã hưởng, ông đối chiếu hồ sơ làm việc của bản thân về công việc được phân công, điều kiện lao động, tiền lương với thực tế thông tin trên sổ BHXH, nếu có vướng mắc không thống nhất là nghề nặng nhọc, độc hại hoặc tiền lương không đúng quy định thì đề nghị ông kiến nghị đơn vị xem xét, điều chỉnh tiền lương theo đúng vị trí việc làm được phân công và liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội để được xem xét về việc xác định chức danh nghề, mức đóng BHXH, việc ghi sổ BHXH và tính hưởng chế độ hưu trí theo quy định.
Theo Chinhphu.vn