1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai:

Đầu tư nuôi hươu nai ở vùng biên, chàng trai thu hàng trăm triệu đồng/năm

Phạm Hoàng

(Dân trí) - “Trắng tay” vì cây tiêu, anh Nguyễn Văn Thuận đã mạnh dạn chuyển đổi qua mô hình nuôi hươu, nai. Hơn 7 năm sau, chàng thanh niên đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ đàn hươu, nai.

Trang trại của anh Nguyễn Văn Thuận (làng xom, xã Pia, huyện Chư Prông, Gia Lai) nằm trên địa bàn xã khó khăn của huyện. Nhiều năm qua, đời sống của người dân bản địa chỉ trông chờ vào cây mì, lúa rẫy. Nhiều hộ di dân vào xã này để trồng tiêu nhưng cũng phải bỏ xứ mà đi.

Năm 2009, vợ chồng anh Thuận đã vào vùng đất Ia Pia dốc vốn để trồng gần 4.000 trụ tiêu. Những năm đầu tiên, tiêu rất xanh tốt, vợ chồng anh chị hy vọng sẽ “thoát nghèo” nhờ cây này.

Tuy nhiên, khi tiêu bắt đầu cho thu hoạch thì bị chết khô hàng loạt. Hàng nghìn trụ tiêu bị chết dần đã đẩy vợ chồng anh chị vào cảnh nợ nần.

Mô hình hươu, nai của anh Thuận đang mang lại thu nhập cao

Sau thất bại từ cây tiêu, anh Thuận đã không nản chí mà tiếp tục tìm hiểu về thổ nhưỡng, khí hậu tại vùng mình đang sinh sống nhằm tìm ra mô hình phù hợp. Trong một lần tình cờ, anh Thuận biết đến mô hình nuôi hươu, nai nên đã tìm hiểu kỹ các thông tin trên mạng, sách, báo.

Nhận thấy đây là mô hình phù hợp, anh đã mạnh dạn ra tận Nghệ An để học hỏi cách nuôi và mua về 3 con hươu, nai giống với tổng trị giá 75 triệu đồng. Chỉ gần 1 năm, đàn hươu của anh đã phát triển tốt, sinh ra 2 con giống và cho về 1 kg nhung.

Nhận thấy mô hình có tiềm năng, anh Thuận tiếp tục đổ vốn về mua gần chục con về Gia Lai để nuôi với mong muốn sẽ phát triển mô hình này ra cả vùng Tây Nguyên.

Đầu tư nuôi hươu nai ở vùng biên, chàng trai thu hàng trăm triệu đồng/năm - 1
Sau thất bại từ cây tiêu, anh Thuận đã mạnh dạn đầu tư vào đàn hươu, nai

Anh Thuận bộc bạch: “Mới đầu, thấy hươu phát triển tốt nên mình đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua thêm mấy con giống về nuôi. Tuy nhiên, vì chưa biết cách chăm sóc, thuần dưỡng nên hươu, nai bị còi cọc, nhiều con không hòa nhập được với đàn mới nên cũng bị chết khiến gia đình thua lỗ hàng chục triệu. Đến khoảng 2 năm sau thì mô hình hươu, nai mới dần ổn định và có lãi.”.

Đầu tư nuôi hươu nai ở vùng biên, chàng trai thu hàng trăm triệu đồng/năm - 2

Mỗi năm, anh thuận về khoảng 500 triệu đồng từ việc bán nhung, thịt thương phẩm và cao của hươu, nai

Bắt đầu từ năm 2016, anh Thuần mới làm chủ được mô hình hươu, nai của mình. Lúc đó, trang trại của anh Thuận đều có khoảng từ 50 - 60 con hươu và nai. Ban đầu, anh Thuận thường nuôi hươu, nai để lấy nhung.

Tuy nhiên, khi số lượng đàn đã nhiều thì anh bắt đầu mở rộng thị trường để cung cấp con giống cho các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Kon Tum…

Ngoài việc bán con giống, anh Thuận có thu về một nguồn lớn rất lớn từ việc bán nhung, thịt thương phẩm và cao từ hươu, nai. Tận dụng hơn 3 sào tiêu bị chết, anh Thuận đã trồng cỏ và các loại cây để cho hươu, nai ăn.

Nhờ sự kiên trì, chịu khó học hỏi kinh nghiệm để phát triển mô hình hươu, nai, anh Thuận thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Thuận cho biết: “Mỗi năm, trang trại xuất đi khoảng 10 - 15 cặp giống hươu, nai. Ngoài ra, mình cũng giữ khoảng 15 con đực nuôi để lấy nhung, số lượng nhung mỗi lần cắt đều có khách đặt trước.

Hiện nay, 1kg nhung hươu có giá giao động từ 13 - 15 triệu đồng. Bình quân mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 500 triệu đồng từ việc bán con giống, thịt cao hươu, nai và nhung.

Đầu tư nuôi hươu nai ở vùng biên, chàng trai thu hàng trăm triệu đồng/năm - 3
Khi bán giống cho bà con trên địa bàn, anh luôn tỉ mĩ hướng dẫn cách chăm sóc hươu, nai và bao tiêu đầu ra

Ngoài ra, khi bán cho người dân trên địa bàn, anh Thuận cũng bao tiêu luôn đầu ra cho bà con. Khi chở hươu, nai đến cho bà con thì Thuận luôn tận tình tư vấn cách làm chuồng trại, chăm sóc, cắt nhung…

Mới đây, anh Thuận đã hỗ trợ cho hội cựu chiến binh huyện Chư Prông 4 con hươu, nai giống để tặng cho các hội viên nghèo.