Đầu năm: Công nhân lại lo "điệp khúc" giãn ca, giảm giờ làm
(Dân trí) - Dịch Covid-19 tái bùng phát, nhiều công nhân tại Hà Nội lại lo bị cho giãn ca, giảm giờ làm. Tuy nhiên, họ cùng chung quan điểm đồng lòng với chủ trương giãn cách xã hội để dịch bệnh sớm được dập tắt.
Lo bị giãn ca
Từ miền quê Nam Định, anh Nguyễn Lương Tuấn bắt xe khách trở lại KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) để ngày mai bắt đầu làm việc tại 1 xưởng sản xuất kim loại. Khi đọc được tin UBND TP Hà Nội quy định giãn cách xã hội, anh Tuấn không khỏi lo lắng.
"Hầu như cả 1 năm qua, tôi đã chỉ được làm 8 tiếng. Hy vọng sang năm mới, tình hình khởi sắc hơn nhưng dịch bệnh như thế này chắc công việc vẫn rất khó khăn", anh cho biết.
Theo anh Tuấn, quy định giãn cách của thành phố hoàn toàn đúng đắn, nếu để buông lỏng rất có thể các ngành sản xuất sẽ bị đình trệ. Khi đó, công nhân là người chịu thiệt thòi vì không có việc làm.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Đức Hải (quê Nam Định) chia sẻ: "Vừa rồi tôi bị công ty cho giãn việc, phải đi làm thêm nhiều nghề như xe ôm, bán hàng trên mạng để bù đắp chi tiêu. Tôi chỉ dành dụm được chút tiền về quê ăn Tết".
Anh Hải cho biết năm ngoái lương của ngoái chỉ được khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Nếu đi làm thêm, anh cũng cải thiện thêm thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/tháng.
"Đầu năm mới, mong muốn lớn nhất của tôi là dịch lắng xuống công việc ổn định. Nếu không, tôi lại phải đi chạy xe ôm mới đủ đóng tiền trọ, sinh hoạt".
Chị Hoàng Thu Trang (quê Phú Thọ) - công nhân tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Bắc Thăng Long - cũng đang vô cùng lo lắng vì dịch bệnh mới đây bùng phát trở lại. Lên nơi làm sớm, chị dự kiến bán thêm khẩu trang y tế trước khi quay trở lại xưởng làm việc vào mùng 8 Tết.
Lấy ngắn nuôi dài
Năm 2020, chị Trang cũng đã kinh doanh thêm mặt hàng này khi không được làm thêm vào hai ngày cuối tuần. Nếu năm mới mà công việc vẫn không ổn định, chị dự kiến tiếp tục kinh doanh khẩu trang để cải thiện thu nhập.
Theo chị Trang, việc tham gia bán thêm khẩu trang cho người dân cũng là một cách để thể hiện sự đóng góp nhỏ nhoi của mình với cộng đồng cùng nhau chống lại đại dịch.
Nói về nguy cơ lại bị giãn ca, chị Trang chia sẻ tâm trạng chung với các đồng nghiệp là công nhân ở các nhà máy. Đồng thời, chị bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm có biện pháp dập dịch hiệu quả nhất để người lao động ổn định công ăn, việc làm.
Biết được tin Hà Nội đóng cửa hàng quán, chị Nguyễn Thị Hoài (quê Yên Mỹ, Hưng Yên) đem theo nhiều đồ ăn từ quê nhà lên xóm trọ ở gần KCN Bắc Thăng Long.
"Tôi đem theo đồ ăn cũng một phần là vì biết các hàng quán chưa mở, hai là cũng để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Thu nhập của công nhân gần đây khó khăn nếu không biết tiết kiệm sẽ khó có đồng ra, đồng vào", chị Hoài chia sẻ.
Nói với PV, năm ngoái vì ít việc nên cuộc sống của hai vợ chồng chị Hoài vô cùng khó khăn. Có thời điểm, chị Hoài cũng đã mang nhiều rau ở quê lên đây để mang ra chợ bán.
Nhận định về quy định giãn cách của thành phố, chị Nguyễn Thị Hoài cho rằng hoàn toàn đúng đắn và kịp thời trong thời điểm này.
"Nếu không như thế thì tất cả người lao động phổ thông như chúng tôi đều bị ảnh hưởng. Thà chúng ta chấp nhận bị gò bó một chút nhưng đổi lại sau này sẽ được yên tâm làm ăn", chị bày tỏ.