1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Dấu hiệu bạn bị “già cỗi” trong công việc

(Dân trí) - Nhiều kinh nghiệm là điểm mạnh, nhưng để mình “già cỗi” trong công việc lại là điều cực kỳ nguy hiểm. Đâu là những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị xếp vào loại “quá hạn sử dụng” so với những thay đổi cần có trong công việc?

Dấu hiệu bạn bị “già cỗi” trong công việc - 1
Sự già cỗi không đến từ tuổi tác, mà đôi khi là từ những thay đổi khách quan trong lĩnh vực ngành nghề.
 
Những gì đang xảy ra xung quanh bạn?

 

Không hẳn là do tuổi tác, đôi khi có những thay đổi trong môi trường ngành hoặc trong cơ cấu nội bộ khiến bạn đột nhiên trở nên “già cỗi” trong công việc. Hãy quan sát những việc xảy ra xung quanh mình:

 

Nhân khẩu học: Những cơ hội thăng tiến gần đây trong công ty chủ yếu ưu ái cho các nhân viên trẻ? Dù bạn gắn bó lâu năm với công ty và có kinh nghiệm kỳ cựu trong công việc, nhưng lại thiếu may mắn khi xét cất nhắc? Đây là dấu hiệu cho thấy bạn bắt đầu bị “bỏ qua” trong mắt cấp trên.

 

Hệ thống kỹ năng: Các phòng ban bắt đầu sử dụng nhiều thuật ngữ mà bạn chưa nghe đến bao giờ? Bạn cảm thấy miễn cưỡng khi phải hụt hơi chạy theo những thay đổi về công nghệ mà công ty khởi xướng? Việc này cho thấy bạn đang bị tách dần khỏi guồng máy phát triển của công ty và các kỹ năng của bạn đang dần lỗi thời.

 

Tại buổi phỏng vấn: Những trao đổi sơ sài, qua loa là dấu hiệu cho thấy nhà tuyển dụng cảm thấy bạn không thích hợp ngay từ đầu. Có thể số năm kinh nghiệm của bạn gây ấn tượng nhưng kỹ năng thể hiện qua phần trao đổi trong buổi phỏng vấn cho thấy bạn đã phần nào “già cỗi” với công việc.

 

Những thông điệp cần lưu ý

 

Khi cấp trên vô tình hay cố ý sử dụng những ý sau khi nói chuyện với bạn, bạn cần lưu tâm:

 

1. “Anh/chị làm việc ở đây cũng lâu rồi nhỉ”


Nếu đây là câu nói sếp thốt ra trong buổi họp đánh giá thành tích hàng năm, hay chỉ bâng quơ đề cập đến khi ăn trưa, sau một cuộc họp nào đó, tất cả đều có nghĩa là ít nhiều sếp nghĩ bạn bắt đầu “già” đi so với công việc, và thời gian bạn gắn bó với công ty đã “quá hạn sử dụng”. Theo chuyên gia Gayle Parker, Giám đốc Công ty tư vấn Aegis, bạn cần cân nhắc có nên trao đổi thêm với sếp về việc này hay chuẩn bị tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mới.

 

2. Vị trí này sẽ rất “áp lực”


Nếu cấp trên của bạn nói về vị trí/dự án mới mà họ định phân công cho bạn với những từ như “rất áp lực”, “cực kỳ căng thẳng”, hàm ý thật sự có thể là bạn cần tăng tốc để đáp ứng đủ nguồn năng lượng cần thiết cho công việc trước nguy cơ bị tụt hậu mà sếp bắt đầu nhận thấy từ cách làm việc hiện tại của bạn.

 

3. “Không thể miễn cưỡng thay đổi một nhân viên”


Điều này có nghĩa là sếp tin rằng những cải cách đang thực hiện tại công ty, những thay đổi từng ngày trong công việc hiện nằm ngoài tầm hiểu biết hoặc sự quan tâm của bạn.

 

4. “Anh/chị có thừa kinh nghiệm so với những gì chúng tôi cần”


Với kinh nghiệm và thành tích kỳ cựu trong công việc và dù yêu cầu mức lương vừa phải, nhà tuyển dụng vẫn không trao cơ hội nghề nghiệp quý giá cho bạn và chốt lại với kết luận trên. Một dấu hiệu quá rõ ràng về ấn tượng “già cỗi” mà bạn để lại nơi nhà tuyển dụng.


Đánh bại sự “già cỗi”

 

Sự già cỗi không đến từ tuổi tác, mà đôi khi là từ những thay đổi khách quan trong lĩnh vực ngành nghề của bạn hoặc do tính ỷ y của bản thân. Thay vì để sếp và đồng nghiệp nói xa nói gần về sự “già cỗi” của mình, bạn cần nhanh chóng nhận ra các dấu hiệu và lên kế hoạch điều chỉnh, tự nâng cấp bản thân. Liên tục cập nhật những thông tin, khuynh hướng mới liên quan đến công việc, tham gia các khóa huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ là cách thức giúp bạn luôn chủ động lèo lái con tàu sự nghiệp của mình.

 

Ngọc Vân

Theo Monster