Đau đầu vì công nhân cứ... nắng nghỉ, mưa ngủ
(Dân trí) - Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Đắk Nông có nguồn lao động trẻ, nhu cầu việc làm lớn, tuy nhiên hạn chế lớn là thiếu kỹ năng, tác phong công nghiệp.
Hai năm trước, chị Võ Thị Sang (thôn 5, xã Quảng Tâm) vào làm công nhân cho Công ty TNHH MTV Long Huệ (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).
So với công việc nương rẫy trước đây, công việc múc chanh dây hiện tại cho chị Huệ thu nhập ổn định hơn, với môi trường làm việc an toàn, phù hợp với sức khỏe.
Cũng giống như chị Sang, gần 50 lao động đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Long Huệ từng là lao động tự do, phần lớn gắn bó với sản xuất nông nghiệp.
Khi trở thành công nhân cho đơn vị chế biến và xuất khẩu nông sản, những lao động này được làm việc trong môi trường hiện đại, có thu nhập dao động 8-12 triệu đồng/tháng.
Chị Sang chia sẻ: "Mỗi ngày, công nhân chỉ làm việc khoảng 8 giờ đồng hồ. Trong quá trình sơ chế nông sản, chúng tôi được phân công làm từng công đoạn cụ thể, không chồng chéo với công việc của người khác".
Tuy nhiên, để đưa công nhân vào "guồng" thực hiện đúng các quy trình sản xuất, những lao động như chị Sang được công ty tập huấn, đào tạo liên tục trong thời gian dài. Thậm chí, có những công nhân phải "cầm tay chỉ việc" để sản xuất được theo dây chuyền như hiện tại.
Ông Kiều Sơn Tùng, Giám đốc sản xuất của Công ty TNHH MTV Long Huệ, cho biết Đắk Nông nói chung, huyện Tuy Đức nói riêng có nguồn lao động trẻ, nhu cầu việc làm lớn. Tuy nhiên, hạn chế lớn của người lao động chính là trình độ không đồng đều, tác phong công nghiệp chưa cao.
"Để đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường quốc tế, công ty liên tục tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng của người lao động. Thế nhưng điều quan trọng nhất là bản thân người lao động cần tự học hỏi, hoàn thiện để nâng cao được năng suất làm việc, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp", ông Tùng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Tùng, bà Lầu Kiều Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nghiệp Xuân (TP Gia Nghĩa), đánh giá hiện nay, phần lớn lao động tại đơn vị vẫn là lao động thời vụ, trình độ không đồng đều. Nguồn lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản ít và thiếu.
Là đại diện đơn vị sử dụng nguồn lao động địa phương lớn, bà Vân cũng cho rằng tác phong và ý thức làm việc của người lao động chưa cao, nhiều người vẫn quan niệm hồn nhiên "nắng nghỉ, mưa ngủ".
"Lĩnh vực sản xuất nông sản đòi hỏi người lao động phải chuyên nghiệp trong từng khâu sản xuất. Xuất phát từ điều này, công ty có chính sách hỗ trợ đào tạo, tiền lương cho những lao động muốn gắn bó lâu dài để bảo đảm hoạt động của đơn vị", Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nghiệp Xuân cho biết thêm.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Nông, các doanh nghiệp trên địa bàn đang tạo việc làm cho khoảng 27.000 lao động. Tuy nhiên, trình độ của người lao động vẫn còn chênh lệch giữa khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, công ty cổ phần với doanh nghiệp tư nhân.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông cho rằng phần lớn lao động của tỉnh vẫn là lao động phổ thông, chỉ có một số ít doanh nghiệp sản xuất, chế biến Alumin; xây dựng; viễn thông... sử dụng lao động được đào tạo bài bản.
Trong thời gian tới, bên cạnh vấn đề giải quyết việc làm, công tác đào tạo nghề sẽ được địa phương đẩy mạnh để thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá của khu vực Tây Nguyên vào năm 2025.