Người lao động chỉ đóng một phần BHXH, không nên có quyền rút hết!
(Dân trí) - TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Xã hội của Quốc hội phân tích, tiền BHXH là của người lao động, có quyền hưởng nhưng nghĩ đơn giản "cứ đóng là có quyền rút" chưa hoàn toàn đúng...
"Không nước nào cho rút bảo hiểm tùy tiện như Việt Nam"
Nói về quy định hưởng BHXH một lần, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, hiện nay, không quốc gia nào trên thế giới cho rút BHXH tùy tiện như Việt Nam. Tại các nước, người lao động chỉ được phép rút BHXH một lần trong trường hợp tới một quốc gia khác sinh sống hoặc đau ốm, mắc bệnh nan y có nguy cơ không qua khỏi.
"Thực tế, nhiều người lao động Việt rút bảo hiểm xã hội để lấy tiền làm nhà, lo cuộc sống hằng ngày... nhưng thử hỏi, dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, số tiền rút ra có đủ để làm nhà, để lo cuộc sống và tiêu hết khoản đó rồi thì tương lai dựa vào đâu", ông Lợi cho biết.
Theo ông Lợi, sở dĩ người lao động rút BHXH một lần vì chưa hiểu đúng bản chất hệ thống an sinh xã hội. Khi quá khó khăn, họ rút ra để giải quyết nhu cầu trước mắt mà không nghĩ đến tương lai lâu dài.
"Không nên quyết định theo dư luận, trào lưu vì việc rút bảo hiểm xã hội một lần lợi trước mắt nhưng hại lâu dài", ông Lợi khẳng định.
Chuyên gia về an sinh, lao động việc làm phân tích, trong 6 năm qua có gần 6 triệu người mới tham gia bảo hiểm xã hội thì 4,2 triệu người lại ra khỏi hệ thống. Con số đó phản ánh hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam chưa bền vững.
Nếu tỷ lệ người tham gia BHXH và người rời khỏi hệ thống bằng nhau thì khó bảo đảm an sinh xã hội và khi rút bảo hiểm cũng không giải quyết được những vấn đề căn cơ trong cuộc sống. Ông Lợi cho rằng, nếu người lao động gặp khó khăn thì tạm chấp nhận phương án cho rút 50% tiền đã tham gia BHXH, còn để dành 50%.
Theo TS Lợi, thực chất, khoản tiền 50% rút từ quỹ BHXH đóng dưới 20 năm, người lao động khó thể giải quyết vấn đề gì lớn.
Vậy nên cần làm sao để có thêm cơ chế hỗ trợ người lao động khi họ gặp khó khăn, mất việc làm. Ngoài khoản bảo hiểm thất nghiệp, nhà nước cũng có cơ chế hỗ trợ học nghề để người lao động chuyển đổi công việc, ngành nghề.
"Nói cách khác, Nhà nước nên tạo một cơ chế hỗ trợ bằng nguồn vốn không lãi suất để người lao động lo cuộc sống, vượt qua thời điểm khó khăn", ông Lợi nói.
Từ những phân tích đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội ủng hộ hướng quy định chỉ cho rút 50% hoặc không cho rút BHXH, trừ 4 trường hợp "bất khả kháng" theo quy định của pháp luật. Giữ chân người lao động trong hệ thống BHXH, theo ông Lợi, là biện pháp căn bản để đảm bảo hệ thống an sinh xã hội bền vững, hiệu quả và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Không rút tiền vẫn là của mình, sao lo mất?
Về dư luận, TS Bùi Sỹ Lợi phân tích, người lao động chưa hiểu hết, chỉ nhìn nhận 2 phương án quy định việc rút BHXH một lần đều thắt chặt quyền lợi của mình. Ông nhấn mạnh, dù tiền BHXH là do người lao động đóng và có quyền hưởng khoản đó nhưng nghĩ đơn giản "đóng vào thì có quyền rút" chưa hoàn toàn đúng.
Ông chỉ rõ, trong 22% tiền đóng vào Quỹ BHXH hiện nay với mỗi người lao động, doanh nghiệp bỏ 14%, người lao động chỉ phải đóng 8%. Với cán bộ, công chức, khoản 14% này lấy từ ngân sách.
Về bản chất, khoản 14% doanh nghiệp đóng BHXH cũng nằm trong tiền lương của người lao động, tuy nhiên khi đóng khoản này, doanh nghiệp được Nhà nước giảm 25% thuế thu nhập doanh nghiệp.
"Như vậy, nói tiền đóng BHXH hoàn toàn là của người lao động thì chưa đúng. Doanh nghiệp đóng 14% đồng nghĩa với việc họ được giảm 25% thuế, đó chính là phần hỗ trợ của nhà nước, thực chất, người lao động chỉ đóng 8%", vị chuyên gia lao động, tiền lương nói.
Mặt khác, ông Lợi đặt vấn đề, dù có được rút BHXH, khoản tiền có giải quyết được căn cơ đời sống không? Mới tích lũy được đôi chút đã rút ra, có người chỉ để mua chiếc xe máy, điện thoại... sau này về già, chờ đến 75-80 tuổi mới được trợ cấp hưu trí xã hội nhưng mức cũng rất thấp, có sống được không?
"Không nên cho rút BHXH một lần mà cần để người lao động thấy được, tiền BHXH đã đóng là "của để dành", không mất đi đâu được. Quỹ BHXH do nhà nước quản lý, đảm bảo, người lao động không sợ mất", ông Lợi khẳng định.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội chia sẻ: "Thực tế, nếu được giải thích để hiểu kỹ lưỡng, chắc chắn người lao động sẽ không rút bảo hiểm. Nhiều người gọi điện cho tôi để nghe tư vấn, sau đó đều không rút nữa.
Tôi luôn khuyến cáo người lao động rằng, bảo hiểm xã hội là của để dành, giữ lại để sau khi về già vừa được chăm sóc sức khỏe (có BHYT trọn đời), lại có tiền để đảm bảo cuộc sống của bản thân. Mong rằng mỗi người lao động trong thời điểm khó khăn, gian khổ này cố gắng xoay xở, giữ lại khoản tiền lo cho tương lai này", ông Lợi nói.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vừa được Chính phủ hoàn thiện, gửi trình Quốc hội có hai phương án về rút BHXH một lần.
Phương án một, ban soạn thảo đề xuất chỉ nhóm lao động tham gia bảo hiểm trước khi Luật này có hiệu lực (trước 1/1/2025) mới được rút thay vì cho người lao động rút như hiện hành, tức sau một năm nghỉ việc.
Những người tham gia sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án hai, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Phương án này không giới hạn số lần lao động được rút.