Đào tạo nghề cho gần 7.000 lao động giai đoạn 2010-2020
(Dân trí) - Trong 10 năm, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã tổ chức 245 lớp đào tạo nghề cho gần 7.000 ao động nông thôn.
Hàng ngàn người được đào tạo nghề
Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg được thực hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trong bối cảnh kinh tế đang có những bước chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp - dịch vụ, nhu cầu học nghề của người lao động rất lớn.
Khi triển khai thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg, Vĩnh Linh bắt tay xây dựng chương trình dạy nghề cụ thể gắn với giải quyết việc làm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Ngoài tăng cường đào tạo mới nhiều ngành nghề, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Hoạt động dạy nghề cũng được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, “vừa học, vừa làm”.
Theo bà Nguyễn Thị Huế - Phó Phòng LĐTB&XH huyện Vĩnh Linh, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề tăng lên theo từng giai đoạn: Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 30%, qua đào tạo nghề đạt 24%; năm 2015 đạt 45%, qua đào tạo nghề đạt 35%. Các chương trình đào tạo nghề trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong 10 năm qua, toàn huyện Vĩnh Linh đã tổ chức được 245 lớp đào tạo nghề lao động nông thôn, đào tạo được 6.992 lao động. Trong đó, chủ yếu tập trung đào tạo từ 1-3 tháng, ngành nghề đào tạo chủ yếu thuộc các nhóm ngành nghề như: Nông - lâm - ngư nghiệp, dịch vụ.
Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015 đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo được 103 lớp nghề với tổng số 2.884 học viên, đạt 103% kế hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức tuyển sinh và đào tạo được 142 lớp nghề với tổng số 4.108 học viên, đạt 152% kế hoạch.
Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%, qua đào tạo nghề đạt 49%. Số lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt từ 75% đến 80% tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo.
Các nghề được đào tạo gồm: Trồng và chăm sóc, khai thác cao su; kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hoạch hồ tiêu; trồng rau an toàn; trồng và chăm sóc cây ném, cây sả; kỹ thuật nuôi gà thả vườn; kỹ thuật sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi trang trại; nuôi và phòng trừ bệnh cho vật nuôi; kỹ thuật chế biến món ăn; xây dựng; sửa chữa vận hành máy nông - ngư nghiệp; pha chế đồ uống;...
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT”, đã xây dựng nhiều mô hình điển hình về dạy nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các mô hình dạy nghề điển hình đã và đang được duy trì có hiệu quả tại các địa phương.
Qua đó, góp phần chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, giảm nghèo và đem lại việc làm cho người lao động.
Trên địa bàn đã có rất nhiều mô hình kinh tế của bà con nông dân sau khi được đào tạo nghề và áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao. Tiêu biểu có mô hình chăn nuôi lợn gà, cá theo quy mô trang trại của Lê Quang Đức Huy (xã Vĩnh Chấp), thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm.
Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của bà Lê Thị Phương Loan (ở thôn Liêm Công Tây, xã Hiền Thành), trung bình khoảng 2-3 tháng cho xuất 1000 con gà, thu nhập bình quân là 6-7 triệu đồng/tháng.
Mô hình của lớp nghề nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà của ông Hoàng Phương (ở thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang), bước đầu đã thực hiện nuôi giun quế thành công và đã nhân giống giun quế cho bà con. Đây là nguồn thức ăn sạch trong chăn nuôi gà, vịt, cá;…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Một số địa phương chưa quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho LĐNT, lúng túng trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo.
Lao động sau học nghề chưa làm đúng với nghề đào tạo, chưa áp dụng được kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả chưa cao; số doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu sử dụng lao động không nhiều nên khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm cho người lao động sau học nghề...
Ông Nguyễn Ái Tân - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Vĩnh Linh- cho biết: Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT” đã tạo điều kiện trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo, chủ động phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất - kinh doanh và dịch vụ.