Đào tạo nghề: Cần thêm cả chất và lượng

(Dân trí) - Hiện việc đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, ttrong những năm tới, vấn đề đào tạo nghề đạt đẳng cấp quốc tế, công nhân có tay nghề cao có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất của các doanh nghiệp.

Theo báo cáo từ tổng cục dạy nghề, trong khoảng 5 năm trở lại đây, mạng lưới cơ sở dạy nghề của nước ta đã được phát triển nhanh, rộng khắp. Rính đến cuối năm 2010 cả nước có 123 trường cao đẳng nghề, 303 trường trung cấp nghề (tăng gấp 3,29 lần so với năm 1998); số trung tâm dạy nghề là 810 (tăng 5,18 lần) và hơn 1.000 cơ sở khác có tham gia dạy nghề, trong đó có gần 200 cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp ( gấp 3 lần). Quy mô dạy nghề tăng nhanh (4 lần); trong đó, dạy nghề trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề (dạy nghề dài hạn) tăng 4,77 lần (từ 75.600 lên 360.000); nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2010 là 30%.

Đào tạo nghề: Cần thêm cả chất và lượng  - 1
Việt Nam vẫn "khát" lao động tay nghề cao. (Ảnh minh họa)
 
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, thực tế, hiện việc đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề đào tạo nghề đạt đẳng cấp quốc tế, công nhân có tay nghề cao có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình  phát triển sản xuất của các doanh nghiệp.

Theo dự thảo “Kết quả lựa chọn nghề trọng điểm và trường có nghề trọng điểm để đầu tư giai đoạn 2011 – 2020” do Tổng cục Dạy nghề thực hiện, sẽ có 164 nghề trọng điểm được chọn, đến năm 2020 sẽ có 40 trường dạy nghề chất lượng cao, 12 trường đạt đẳng cấp quốc tế (năm 2015 là 5 trường), 28 trường đạt đẳng cấp khu vực ASEAN (năm 2015 là 14 trường). Các trường còn lại sẽ có ít nhất có 1 nghề trọng điểm cấp quốc gia. Cũng theo kế hoạch, tất cả các trường cao đẳng, trung cấp nghề công lập thuộc các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đều được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư theo nghề, cấp độ ở mức độ khác nhau.

P. Thanh