Dành cái Tết cho người khác

Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết, đối với công nhân xa quê, đồng lương ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống nên việc ở lại TP hay về quê đều khó khăn

"Năm đầu khó khăn nên hẹn năm sau, sang năm sau lại hẹn năm sau nữa, lần lữa mãi, đã 10 năm rồi tôi không về quê ăn Tết cùng gia đình. Nhìn bạn bè được sum họp với ba mẹ trong những ngày Tết, nhiều khi tôi thấy tủi thân" - đó là chia sẻ của chị Lê Thị Thắm, công nhân (CN) tại KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức, TP HCM), khi chúng tôi hỏi thăm kế hoạch đón Tết.

Chắt chiu cho người thân

Vợ chồng chị Thắm rời quê vào TP HCM được hơn 10 năm. Cũng chừng ấy cái Tết anh chị đón Xuân xa gia đình. Năm đầu tiên, gia đình chị vui mừng đón đứa con đầu lòng, hẹn năm sau sẽ về quê ăn Tết; sang năm sau, chị mang bầu bé thứ hai nhưng sức khỏe không tốt nên lại hẹn năm sau, rồi năm sau nữa. Cứ vậy đã 10 năm.

Năm mới, Tết đến, ai cũng muốn được về quê ăn bữa cơm sum họp, quây quần bên gia đình, bạn bè để sẻ chia cùng nhau những bộn bề, lo toan sau một năm làm lụng vất vả. Nhưng với chị Thắm đó chỉ là ước mơ. Quê chị ở Quảng Bình còn chồng thì ở Thái Bình, một cảnh hai quê, nếu về Tết thì phải thăm cả hai bên nội ngoại nhưng ngày phép thì ít, thời gian di chuyển lâu, tốn kém đủ thứ trong khi tổng thu nhập của vợ chồng chị tròm trèm 12 triệu đồng.

Các gian hàng quần áo trẻ em giá rẻ luôn thu hút rất đông người mua sắm Tết
Các gian hàng quần áo trẻ em giá rẻ luôn thu hút rất đông người mua sắm Tết

Chiều muộn, chúng tôi theo chân chị Nguyễn Xuân Hoa, CN một doanh nghiệp (DN) tại Khu Công nghệ cao (quận 9, TP HCM), mua sắm Tết. Bụng mang dạ chửa nhưng chị vẫn cố gắng dắt đứa con trai đầu lòng mua sắm quần áo Tết. Sà vào gian quần áo Tết, bé Hưng con chị mè nheo: "Mẹ ơi, mẹ mua cho con cái áo có hình con rồng nhe mẹ, con thích lắm".

Xoa đầu đứa con trai bé bỏng, chị Hoa nhỏ nhẹ: "Áo này không vừa với con, để qua bên kia mẹ lựa cho bộ khác đẹp hơn". Bộ quần áo mà chị chọn mua cho con trai thực tế chỉ hơn 30.000 đồng và chị mua cả thảy 3 bộ. Đang mang thai bé thứ hai được 5 tháng nên năm nay chị Hoa không về quê ăn Tết. "Tiền xe đi lại, ăn uống dọc đường cũng ngốn mất vài triệu nên hai vợ chồng quyết định ở lại TP ăn Tết. Năm nay, tôi chỉ mua đồ mới cho con và gửi chút ít cho ông bà ở quê, còn hai vợ chồng thì không mua sắm gì" - chị Hoa bộc bạch.

Con về sửa lại mái nhà cho mẹ…

Người ở lại TP đón Tết không vui là vậy nhưng người có điều kiện được về quê cũng không hẳn phấn khởi, nhất là CN ở các tỉnh vừa trải qua thiên tai.

3 năm nay, do gia cảnh khó khăn nên chị Hồ Ánh Tuyết (quê Quảng Bình), CN một DN sản xuất giày tại KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức, TP HCM) không về quê ăn Tết. Thế nhưng, Tết này chị quyết định về khi hay tin nhà cửa ba mẹ bị tốc hết mái sau cơn bão vừa rồi. "Nghe ba mẹ báo tình hình nhà cửa mà tôi sốt ruột vô cùng. Ông bà đã hơn 80 tuổi nên không thể làm công việc nặng nhọc, do vậy tôi quyết định về quê để sửa lại nhà cho cha mẹ, sẵn dịp đưa các cháu về thăm luôn" - chị Tuyết chia sẻ.

Dự trù chi phí cho lần về quê này của gia đình chị là 50 triệu đồng, bao gồm cả tiền xe, ăn uống, quà cho người thân và tiền sửa lại nhà. Khi tôi hỏi hai vợ chồng lấy đâu ra số tiền lớn như vậy, chị Tuyết cười trừ: "Mượn người ta rồi vô trả dần chứ tiền lương của tôi, cả tăng ca cũng chỉ có 6 triệu đồng mỗi tháng; ông xã làm hồ, lương khoảng 4 triệu đồng, còn lo cho 2 đứa nhỏ đi học nữa, ráng lắm chỉ đủ ăn chứ không có dư" - chị buồn rầu nói.

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Ngọc, CN một DN tại quận Thủ Đức khi chị đang đi mua sắm tại chợ đêm. Cầm chiếc quần jeans vừa mới mua trên tay, chị tiếc rẻ: "Hồi nãy, mua cái quần jeans trong kia 150.000 đồng, ra ngoài này bán có 130.000 đồng, biết bị hố rồi nhưng đành chịu. Lương CN bèo bọt nên tụi em chi tiêu tằn tiện lắm, đỡ được đồng nào hay đồng đó".

Thấy một chiếc áo khoác cho nam khá đẹp, chị gọi điện hỏi chồng có thích không thì nhận được câu trả lời là không. "Chiếc áo này giá 290.000 đồng, ảnh kêu mắc quá nên thôi" - chị Ngọc cho biết. Tổng thu nhập của hai vợ chồng chị mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng. Hằng tháng, chị phải dành một khoản cố định 4 triệu đồng gửi về quê cho ông bà nuôi con gái 18 tháng. Anh chị tiết kiệm bằng cách nhờ người nhà gửi cá, thịt từ quê vô ăn dần.

"Nhớ con lắm nên phải tằn tiện để cuối năm có tiền về thăm. Mua ít đồ cho con, một cái quần cho chị, một cái áo mới cho chồng để mặc về Tết, còn ông bà thì về quê lì xì. Mua quà ở đây đắt mà mang về còn bị tính cước nữa, uổng tiền lắm. Về đó nếu cần thì ra thị xã mua thêm" - chị Ngọc cho biết.

Ở gian hàng quần áo kế bên, sau khi dọ giá, chị Dương Thạch Thảo (quê Nghệ An) cũng đã sắm được một vài bộ quần áo Tết cho 2 đứa con nhỏ. Chị cho biết: "Tôi có 2 cháu, một đứa ở đây, một đứa gửi ông bà nội ở quê. Thương con, ráng về cho chị em nó gặp nhau chứ ngán tiền lắm. Làm đồng nào xào đồng đó, có tháng phải đi vay mượn để mua sữa cho con…".

Theo Thuý Liễu/Báo Người lao động