Đăng tải nhu cầu tuyển dụng qua mạng xã hội để lao động tìm việc

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Một trong những giải pháp mà tỉnh Bạc Liêu đưa ra là nắm nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu việc làm để cung cấp thường xuyên qua facebook, zalo... đến từng cơ sở để giúp người lao động chọn việc phù hợp.

Bà Lê Thanh Giang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có hơn 17.700 lao động ngoài tỉnh trở về địa phương, trong đó có trên 6.800 lao động tự do. Lao động về nhiều nhất là từ tỉnh Bình Dương, với hơn 6.200 người, TPHCM hơn 5.400 người…

"Số lao động từ các tỉnh, thành trở về địa phương gây áp lực cả cho công tác phòng chống dịch lẫn vấn đề giải quyết việc làm và an sinh xã hội cho người lao động. Trong khi đó, việc kết nối, hỗ trợ lao động quay lại thị trường lao động chưa kịp thời", bà Giang nêu khó khăn.

Đăng tải nhu cầu tuyển dụng qua mạng xã hội để lao động tìm việc - 1

Vừa qua, nhiều người đang sinh sống, lao động ở TPHCM được tỉnh Bạc Liêu đón về địa phương (Ảnh: Huỳnh Hải).

Qua rà soát tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tình trạng thiếu hụt lao động diễn ra cục bộ, số lượng không lớn. Số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng mới khoảng 5.200 lao động, chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản và may mặc.

Hiện tỉnh Bạc Liêu có 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Qua rà soát, các doanh nghiệp này hiện không thiếu hụt lao động nhưng có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 950 lao động (chủ yếu trong ngành chế biến thủy sản, may mặc) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng đã ký kết trước đây.

Bà Ngô Thị Bích Diễm, Phó Chủ tịch UBND phường 5, TP Bạc Liêu cho biết, qua rà soát trên địa bàn phường, có công ty thủy sản có nhu cầu cần tuyển dụng hơn 1.000 lao động. Phường đã chủ động giới thiệu việc làm cho một số lao động ở các tỉnh trở về địa phương vào làm việc.

Lãnh đạo UBND phường 5 đề xuất, đối với doanh nghiệp cần có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút người lao động như phương án bố trí chỗ ăn, ở chu đáo để họ yên tâm làm việc. Ngoài ra, cần quan tâm đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho người lao động trong trường hợp biến động lao động.

Đăng tải nhu cầu tuyển dụng qua mạng xã hội để lao động tìm việc - 2

Các công ty, doanh nghiệp ở Bạc Liêu đang có nhu cầu tuyển dụng lao động chủ yếu ngành thủy sản, may mặc (Ảnh: Huỳnh Hải).

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu Lê Thanh Giang thông tin, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô hoạt động vừa và nhỏ nên nhu cầu lao động và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương còn rất hạn chế.

Qua thống kê chưa đầy đủ, với hơn 17.700 lao động ngoài tỉnh về quê, số người có nhu cầu tìm việc làm trong tỉnh là hơn 3.800 người, ngoài tỉnh hơn 5.000 người.

Một trong những giải pháp phục hồi, phát triển thị trường lao động thời gian tới mà tỉnh Bạc Liêu đưa ra là nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm tại các địa phương, rà soát, nắm nhu cầu tuyển dụng mới của doanh nghiệp để tư vấn, cung ứng, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Cập nhật, cung cấp thường xuyên và kịp thời thông tin thị trường lao động về nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu việc làm… bằng nhiều hình thức như báo, đài, facebook, zalo... đến từng khóm, ấp để người dân tìm hiểu, nắm bắt, giúp người lao động có cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp, đặc biệt là người ngoài tỉnh về.

Tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đã đề nghị phân loại, thống kê số lao động trở về địa phương từ vùng dịch, tỉnh Bạc Liêu xem có bao nhiêu % là người trong độ tuổi lao động, từ đó rà soát ngành nghề, trình độ đào tạo để có hướng giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu cần quan tâm kết nối với các địa phương như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… để phối hợp đưa người lao động quay trở lại làm việc; kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để tuyển dụng, đào tạo đưa đi làm việc ở nước ngoài đối với những người có nhu cầu.