Dân văn phòng: Thu tiền triệu nhờ bán thực phẩm từ quê ra phố

(Dân trí) - Ban đầu chỉ là trao đổi thực phẩm “mùa nào thức nấy”, giờ đây, chị Minh Thúy cùng đồng nghiệp đã mở riêng một trang chuyên cung cấp “thực phẩm nhà quê”. Nghề tay trái này giúp chị có thêm khoản thu nhập đáng kể.


Rau, củ, quả sạch hút khách là dân văn phòng

Rau, củ, quả sạch hút khách là dân văn phòng

Đồ quê “xịn” từ củ hành, tép tỏi

Xuất phát từ nỗi lo ngại thực phẩm bẩn, đều đặn cứ thứ Hai hàng tuần, chị Minh Thúy - nhân viên kế toán tại Hà Đông (Hà Nội) lại khệ nệ mang rau, củ từ quê gửi lên để trao đổi thực phẩm với chị em trong cơ quan.

Người được chị Minh Thuý cung cấp rau, củ. Đổi lại, chị Minh Thuý được cung cấp cá. Chưa hết, các đồng nghiệp khác còn trao đổi cho nhau rau ngót, cà chua sạch, bí đao... để đổi lấy những thời gian còn bận làm việc và nỗi lo về thực phẩm không an toàn.

Nói về ý tưởng mang tính "tự cung - tự cấp" này, Chị Minh Thúy chia sẻ: “Mình được cô bạn đồng nghiệp quê ở Đông Anh (Hà Nội) kể, người dân tại đây trồng rau sạch để bán nhưng vẫn chừa riêng một luống cho gia đình ăn. Vì tâm lý lo sợ nên chúng mình đã nảy ra ý tưởng thu gom đồ quê để trao đổi. Ai có gì mang nấy, miễn có nguồn gốc rõ ràng”.

Sẵn có mảnh vườn ở quê trồng vài thứ rau theo mùa, hè thì rau muống, rau ngót, đông thì su hài bắp cải,…chị Minh Thuý cũng đăng ký tham gia.

“Chiến dịch” kéo dài được khoảng 3 tháng. Hầu như tất cả mọi thứ từ thịt rau, trứng, cá cho đến củ hành, tép tỏi đều được mang từ quê ra” - chị kể.


Rau được nhặt sẵn cho vào túi để chuyển cho khách gọi

Rau được nhặt sẵn cho vào túi để chuyển cho khách gọi

Được nhiều người hưởng ứng, chị Minh Thúy cùng hai đồng nghiệp khác quyết định cùng nhau buôn bán thêm thực phẩm sạch. “Cửa hàng online” của chị chuyên cung cấp tôm, thịt, trứng và các loại rau củ theo mùa.

Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị cùng đồng nghiệp còn rủ nhau mua chung một chiếc tủ bảo quản để dự trữ thực phẩm. Đối với các loại rau củ, cửa hàng của chị luôn sẵn có. Nhưng đối với nguồn thịt, do nguồn cung ít nên một tuần chị chỉ bán vài ba lần.

Đồ quê được chị nhờ người thân đóng gói cẩn thận rồi gửi xe lên Hà Nội. Nguồn hàng chủ yếu được thu mua từ những người quen nên có nguồn gốc rõ ràng, không thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích.

Ngày cao điểm, chị bán được gần 40 kg rau các loại. Công việc “mua cân bán mớ” giúp chị thu về từ 180.000 - 250.000 đồng/ngày. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, mỗi tháng, chị bỏ túi được 6 triệu đồng.

“Những thực phẩm này mẫu mã tuy không đẹp như ngoài chợ nhưng an tâm tuyệt đối. Do số lượng trồng ít, công chăm bón lâu hơn nên giá có thể nhỉnh hơn một chút so với ngoài thị trường. Đối với rau mùng tơi, rau muống chia ra khoảng 1.500đ/ mớ có thể bán ra 5.000 đồng. Tương tự, cải ngọt bán ra 11.000 đồng/ kg, bắp cải bán ra 12.000 đồng/ kg” - Chị Thúy chia sẻ.

Lợn ăn rau vườn: Hút khách

Cùng nỗi lo chung ấy, cứ một tuần một lần, chị Nguyễn Thị Hương (Phú Xuyên, Hà Nội) lại được bố mẹ “cung ứng” thịt lợn sạch để dùng dần. Hàng xóm, đồng nghiệp của chị thấy vậy cũng gửi tiền nhờ mua giúp.


Thịt lợn được quảng bá là sạch được các bà, các chị văn phòng quan tâm

Thịt lợn được quảng bá là "sạch" được các bà, các chị văn phòng quan tâm

Nhận thấy nhu cầu cao trong khi nguồn hàng dồi dào, chị quyết định đăng tải lên các hội nhóm để đáp ứng nhu cầu mua và bán. Lâu dần, không chỉ bán cho những người thân quen, chị còn bán cho rất nhiều khách hàng trên mạng.

Theo chị Nguyễn Thị Hương, lợn quê chủ yếu nuôi nhờ nguồn thức ăn tự nhiên như rau, cám gạo, cơm thừa, hoàn toàn không có chất tạo nạc hay khích thích tăng trọng. Do vậy, lợn chỉ nặng khoảng 40 - 50 kg.

“Khi mình chia sẻ với chị em trên cơ quan, mọi người đều khen thịt thơm và vừa miệng. Những ngày đầu, lượng tiêu thụ khá ít, chỉ khoảng vài kg/ ngày. Tuy nhiên, đến hiện tại, một tuần mình có thể tiêu thụ tới 40 - 50 kg.

Nhiều người thường nói, bây giờ được ăn rau vườn, gà đồi, lợn cỏ đích thực là đại gia. Nhưng thực tế lợn quê cũng không đắt hơn là mấy” - chị kể.

Theo chị Nguyễn Thị Hương, do mất chi phí vận chuyển và bảo quản nên thịt lợn sạch có giá nhỉnh hơn. Thịt ba chỉ, thịt thăn, mông chị đều bán ra với giá 90.000 đồng/ kg. Sau khi phân chia, đóng túi riêng, chị sẽ thuê người giao hàng ngay để đảm bảo thịt vẫn tươi ngon.

Trừ hết các chi phí, mỗi lần bán như vậy chị thu về khoảng 1 triệu đồng. Tính ra, cả tháng chị có thể kiếm thêm từ 3-4 triệu đồng.

“So với khoản thu nhập từ công việc văn phòng, khoản lời từ việc kinh doanh thực phẩm sạch mang lại cũng là đáng kể” - chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Thúy Nga