Đắk Lắk: Nông dân "khóc ròng" vì giá thanh long chỉ bằng... ly trà đá

Thúy Diễm

(Dân trí) - Những ngày này cả trăm hộ nông dân trồng thanh long tại xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) rất lo lắng vì giá mỗi ký thanh long chỉ bằng ly trà đá nhưng không có ai thu mua.

Tại xã Cư Êbur hiện tại thanh long đang vào mùa thu hoạch. Trước đây thanh long sẽ được nông dân cắt gom lại cho chủ vựa thu mua, vận chuyển tiêu thụ các tỉnh thành khác trong cả nước.

Đắk Lắk: Nông dân khóc ròng vì giá thanh long chỉ bằng... ly trà đá - 1
Thanh long chín đỏ vườn không ai thu mua

Nhưng khi Đắk Lắk phát hiện có ca mắc Covid-19 và TP Buôn Ma Thuột được áp dụng lệnh cách ly xã hội (ngày 3/8) khiến xe cộ khó khăn. Điều này cũng khiến giá thanh long ế ẩm.

Chị Nguyễn Trần Yến Linh (ngụ thôn 2, xã Cư Êbur) lo lắng: "Hiện tại cả vườn thanh long chín đỏ rực của gia đình chị chưa ai mua, Chị cũng hái một ít mang đi chợ bán nhưng lượng người mua rất ít và giá cả rất rẻ chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg loại 1".

Đắk Lắk: Nông dân khóc ròng vì giá thanh long chỉ bằng... ly trà đá - 2

Giá mỗi ký thanh long chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng nhưng rất khó bán

“Đến nay, tôi cũng chưa biết cách gì để tiêu thụ hết số thanh long, nếu vài ngày nữa không ai mua chúng tôi đành phải hái vứt thanh long cho bò, cho nai ăn”, chị Linh buồn bã.

Tương tự, gia đình anh Đoàn Ái Hoàng (ngụ thôn 3, xã Cư Êbur) có trồng 450 trụ thanh long trên diện tích 4 sào đang đến đợt thu quả. Nếu như trước đây giá thanh long giao động từ 8.000 - 15.000 đồng/kg mang lại nguồn thu nhập đang kể cho gia đình anh.

Tuy nhiên, những ngày nay các chủ vựa đều “lắc đầu” không mua hàng khiến gia đình anh rất hoang mang.

Đắk Lắk: Nông dân khóc ròng vì giá thanh long chỉ bằng... ly trà đá - 3
Thanh long gặp khó vì dịch bệnh xe cộ không nhận vận chuyển hàng

“Giá thanh long hiện chỉ còn khoảng 2.000 đồng/ký nhưng kẹt nỗi cũng không ai muốn mua. Vợ chồng tiếc quá rao lên mạng xã hội bán nhưng cũng chỉ bán được vài chục ký.  Thanh long thì mau hỏng, nứt vỏ nếu không được cắt sớm”, anh Hoàng lo lắng.

Theo nhiều nông dân chia sẻ, để trồng thanh long người dân phải bỏ rất nhiều công cán để chăm sóc, bón phân, tỉa cảnh… rất vất vả. Chờ đến mùa thu hoạch để bù lại chi phí nhưng đến nay sẽ lỗ nặng do giá thấp “kỷ lục” thậm chí có nguy cơ mất trắng cả vườn.

Chị Trần Thị Thu Thảo (ngụ xã Cư Êbur) người có kinh nghiệm nhiều năm buôn bán thanh long, cho biết: Ngày thường mỗi ngày chị thu mua được 4-5 tấn thanh long với thị trường chính là Đà Nẵng, Huế nay ảnh hưởng dịch bệnh không lưu thông được.

“Giá đã thấp chỉ có quả đẹp bán được rất ít, số lượng mua nhỏ giọt nên lượng thanh long còn lại trên cây có thể sẽ phải cắt bỏ hết”, chị Thảo nói.

Đắk Lắk: Nông dân khóc ròng vì giá thanh long chỉ bằng... ly trà đá - 4
Nông dân đành để thanh long nứt, hư hỏng

Theo ông Trần Trọng Khánh (Trưởng thôn 2 kiêm Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long VietGAP của xã Cư Êbur), toàn xã có 129 ha thanh long của gần 200 hộ dân, sản lượng hàng năm trên 3.000 tấn với năng suất bình quân 20-25 tấn/ha.

Theo ông Khánh, với giá cả thanh long giảm chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg như hiện nay thì thiệt hại của người dân vô cùng lớn.

“Tổ hợp tác đã liên hệ với Hội nông dân, UBND thành phố xin hỗ trợ. Thời gian vừa qua, chúng tôi chúng tôi chủ động xin gian hàng để giới thiệu sản phẩm, thực hiện liên kết với một công ty phân phối sản phẩm trái cây sạch để quảng bá sản phẩm”, ông Khánh chia sẻ.

Đắk Lắk: Nông dân khóc ròng vì giá thanh long chỉ bằng... ly trà đá - 5
Nhiều người mang thanh long rao bán trên mạng xã hội nhưng số lượng bán được rất ít

Ông Trương Thái Bình - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng TP Buôn Ma Thuột - cho biết, tại xã Cư Êbur hiện có 13 hộ với khoảng 15ha nằm trong tổ hợp tác thanh long VietGap và địa phương hướng tới nhân nhân rộng trên 200ha của mô hình này.

Theo ông Bình, nông dân trồng long chủ yếu tự phát với số lượng lớn, do đây loại cây trồng mang lại mức thu nhập ổn định hơn so với các loại cây khác.

“Hiện đang trong thời điểm dịch bệnh, cách ly xã hội nên việc giải cứu rất khó, có một số cá nhân nhận hàng để hỗ trợ vùng dịch nhưng số lượng là rất ít. Chúng tôi đang liên hệ các kết nối để giới thiệu thanh long thêm cho bà con”, ông Bình thông tin.

Bên cạnh đó, Phòng đang tham mưu cho ủy ban và Thảnh ủy đưa thanh long vào chuỗi sản xuất liên kết và tiêu thụ sản phẩm  hướng đến thị trường tiêu thụ nhằm giải quyết tình trạng như hiện nay.