Đại dịch Covid-19 đe dọa tương lai và tác động đa chiều đến trẻ em Việt Nam

An Linh Trường Thịnh

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 không chỉ khiến trẻ em bị có nguy cơ đói ăn, đói mặc, không được học hành mà còn cướp đi hạnh phúc và mái ấm của các em.

Việc hỗ trợ vật chất, tinh thần cho trẻ em trước, trong và sau đại dịch đang là vấn đề bức thiết hơn bao giờ hết. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã, đang và tiến tới ban hành nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ trẻ em, những đối tượng chịu tác động nhiều mặt của dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 đe dọa tương lai và tác động đa chiều đến trẻ em Việt Nam - 1
Ủy ban xã hội của Quốc hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và nhà tài trợ (Ngân hàng SHB) trao quà cho trẻ em mồ côi Hà Nội ngày 16/10/2021.

Covid-19 tác động toàn diện, toàn cầu

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 27/10, thế giới có hơn 244,9 triệu người nhiễm Covid-19, số người chết là hơn 4,96 triệu người.

Đại dịch Covid-19 có tác động toàn cầu và tác hại của nó đến mọi mặt của đời sống xã hội. khiến nhiều nước lao đao, riêng tại Mỹ, theo WHO là hơn 45,6 triệu người nhiễm, hơn 739.000 người chết, Ấn Độ có hơn 34,2 triệu người nhiễm, 455.000 người tử vong, Brazil, Anh, Nga đều có số ca nhiễm lên đến hàng chục triệu người. Theo nhận định hồi tháng 7/2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu gánh chịu thiệt hại hơn 4.500 tỷ USD.

Tại Đông Nam Á, các nước như Indonesia, Malaysia, Philipines, Thái Lan cũng đang phải vật lộn với số ca nhiễm cao, Indonesia số ca nhiễm hơn 4,2 triệu người, tử vong ghi nhận hơn 142.000 người. Các nước khác như Malaysia, Philipines, Thái Lan đều ghi nhận số ca nhiễm trên 1,5 triệu người và số ca tử vong trên 18.000 người.

Các nước nghèo, đang phát triển và mới nổi chịu tác động mạnh hơn cả bởi đại dịch do năng lực phòng chống dịch bệnh yếu, tiêm phòng ít và nền kinh tế bị thu hẹp do ngoại thương, FDI suy giảm và du lịch đứt gãy.

Ở tầm vi mô, đại dịch tác động lớn đến người dân, trong đó đối tác lo ngại nhất là người nghèo, phụ nữ, trẻ em và nhóm yếu thế trong xã hội.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 2/11, Việt Nam ghi nhận hơn 923.451 ca mắc Covid-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.408 ca nhiễm).

Số ca khỏi bệnh tính đến ngày 2/11 là hơn 822.065 người, số ca tử vong tính đến thời điểm hiện nay là hơn 22.130 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện Việt Nam có gần 2.500 trẻ mồ côi bố, mẹ hoặc mồ côi cả bố và mẹ vì Covid-19 cần được trợ giúp của Nhà nước, các tổ chức xã hội và cá nhân.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng trẻ em mồ côi bố, mẹ hoặc cả bố mẹ do Covid-19 nhiều nhất cả nước với 1.400 em, ngoài ra còn có nhiều trẻ em trong các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được trợ giúp điều kiện sống, ổn định và học hành.

Hiện trạng trẻ em bị tác động đa chiều bởi đại dịch ngày càng được các tổ chức đánh giá, mới đây đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc Unicef tại Việt Nam khẳng định: Trẻ em Việt Nam đang là đối tượng chịu nhiều tổn thương bởi đại dịch từ giáo dục, đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Đại diện Unicef khẳng định: "Covid-19 khiến bạo lực gia đình ngày càng xấu đi đối với trẻ em, phụ nữ. Nhìn về góc độ dinh dưỡng, lương thực, gia đình mất thu nhập, nghèo đói tăng lên, 70% số người khảo sát cho biết giảm tiền mua sữa hoặc sữa công thức cho trẻ em, trên 1/3 số người cho biết giảm tiền mua thức ăn".

Theo ông Vincenzo Vinci, Trưởng Chương trình Chính sách xã hội và Quản trị công, Unicef Việt Nam, Covid-19 ập đến, trẻ em ở trong gia đình phải gánh vác trách nhiệm gia đình với bố mẹ. Đại dịch Covid-19 khiến bố hoặc mẹ mất việc làm, các em còn chịu thiệt thòi thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe, không được tiếp cận giáo dục trực tuyến hoặc có thì phân hóa theo địa phương, giàu nghèo. Trẻ em ít được trang bị để chống lại những thay đổi thời cuộc, ít được lắng nghe, nhìn nhận hơn.

Hơn 19 tỷ đồng đến tay trẻ em ảnh hưởng bởi Covid-19

"Khi Covid-19 xảy ra, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương bởi bạo lực gia đình. Việc thường xuyên phải ở nhà, không được học trực tuyến hoặc bố mẹ có thu nhập ít hơn, khiến trạng thái sức khỏe, tinh thần của các trẻ em bị ảnh hưởng rất nhiều..". ông Vinci nói.

Ông Vinci nhấn mạnh: Tác động của Covid-19 làm trầm trọng hơn nghèo đói, mất mát của trẻ em và thanh thiếu niên. Những tác động ngày càng sâu sắc, lâu dài hơn trong tương lai.

Nhằm kịp thời hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhân Tháng Hành động Vì trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phát động chương trình hỗ trợ trẻ em. Sau thời gian phát động, nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức đã ủng hộ số tiền tính đến nay là hơn 25 tỷ đồng, cụ thể: Công ty CP sữa Việt Nam: 10 tỷ đồng, Ngân hàng SHB: 8 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành: 2 tỷ đồng; Công ty CP TANOS: 1,9 tỷ đồng; Công ty TNHH AIA Việt Nam: 637 triệu đồng; Vinanutri Food: 500 triệu đồng; Công ty TNHH BHNT Generali Việt Nam: 500 triệu đồng. Bộ Ngoại giao: 100 triệu đồng. Đáng nói, sau 3 tháng đã có hơn 730 cá nhân vãng lai chuyển tiền cho Quỹ BTTEVN để hỗ trợ trẻ em, có những cá nhân đã chuyển tiền nhiều lần trong tháng. Theo ông Hoàng Văn Tiến - Giám đốc Quỹ BTTEVN: "Bên cạnh những nhà doanh nghiệp, tổ chức mặc dù gặp khó khăn khi đại dịch Covid-19 kéo dài nhưng vẫn dành kinh phí để hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng Covid thông qua Quỹ BTTEVN đã có rất nhiều cá nhân chuyển tiền vào tài khoản của Quỹ, điều này thể hiện tình cảm, trách nhiệm xã hội, ý thức cộng đồng của người dân đã được nâng lên đồng thời cũng thể hiện sự tin tưởng của các cá nhân đối với các hoạt động của Quỹ BTTEVN".

Đại dịch Covid-19 đe dọa tương lai và tác động đa chiều đến trẻ em Việt Nam - 2

Ông Phạm Quang Trưởng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam - Vinanutrifood.

Tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Quyết định số 1013/QĐ- LĐTBXH về việc hỗ trợ trẻ em là con sản phụ nhiễm Covid-19 trong thời gian từ ngày 27/4 đến 31/12/2021, đồng thời, Quỹ BTTEVN cũng đã có công văn 327/CV-QLCTDA về việc hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng Covid-19, trong đó ngoài việc hỗ trợ trẻ sơ sinh con sản phụ nhiễm Covid-19, Quỹ cũng sẽ hỗ trợ trẻ em mồ côi cả cha mẹ hoặc mồ côi cha hoặc mẹ bị chết bởi Covid-19 trong thời gian từ 27/4-31/12/2021 với mức hỗ trợ 5 triệu đồng.

Đại dịch Covid-19 đe dọa tương lai và tác động đa chiều đến trẻ em Việt Nam - 3

Bà Lê Hương Ly - Phó Tổng Giám đốc đối ngoại toàn quốc Công ty TNHH BHNT AIA Việt Nam.

Về giải ngân hỗ trợ trẻ em, tính từ 1/6 đến 31/10/2021, tổng số tiền mặt và hàng hóa Quỹ BTTEVN đã hỗ trợ là 19 tỷ đồng hỗ trợ cho 11.089 trẻ em bị ảnh hưởng Covid-19.

Ngoài ra, để đối phó với tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây sang trẻ em cũng rất lớn, bên cạnh việc vận động cho trẻ em ảnh hưởng bởi Covid-19, Quỹ cũng đã vận động để mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, và Công ty CP sữa Việt Nam đã đi đầu trong phòng trao hỗ trợ vaccine cho trẻ em với số tiền là 3 tỷ đồng. Đồng thời, hiện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng đề án chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do Covid-19 tại cộng đồng.

Đại dịch Covid-19 đe dọa tương lai và tác động đa chiều đến trẻ em Việt Nam - 4

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại Hà Hội.

Quỹ BTTEVN trân trọng cảm ơn các đơn vị, tổ chức, cá nhân - những tấm lòng nhân ái đã luôn đồng hành cùng chúng tôi và kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trong những thời khắc khó khăn nhất.

Quỹ BTTEVN tiếp tục kêu gọi các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ cả vật chất và tinh thần để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được giúp đỡ kịp thời để các em được quan tâm, chăm sóc và sống trong môi trường an toàn nhất.

Các tổ chức, cá nhân quan tâm, ủng hộ xin gửi về địa chỉ:

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Địa chỉ: Số 35 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại : (84 24) 37331223/ Hotline: 092 9999 999.

Website: http://www.nfvc.org.vn

Hoặc ủng hộ theo hình thức chuyển khoản:

Tên tài khoản: Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam

Số tài khoản: 001.0.00.0000355

Tại: Sở Giao dịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Quỹ BTTEVN thành lập từ ngày 4/5/1992 theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Nay sửa đổi là Luật Trẻ em 2016). Đơn vị có chức năng vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước, nước ngoài, viện trợ quốc tế, hỗ trợ của ngân sách Nhà nước trong trường hợp cần thiết để thực hiện các mục tiêu về trẻ em.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam có Hội đồng Bảo trợ. Trải qua hơn 29 năm hoạt động, Quỹ ở các cấp huy động hơn 7.200 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 33 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên toàn quốc. Quỹ với phương châm hoạt động "Tận tâm - Minh bạch - Kịp thời - Cùng tham gia", đã vận động được gần 1.500 tỷ đồng cùng hàng trăm ngàn tấn hàng hóa hiện vật để hỗ trợ cho trên 7,3 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc.

Từ khi thành lập đến nay, Quỹ BTTEVN có vai trò, sứ mệnh là cầu nối giữa những tấm lòng vàng với trẻ em khó khăn Việt Nam. Với nhiều nỗ lực, Quỹ BTTEVN nhận Huân chương Lao động Hạng Ba, Hạng Hai, Hạng Nhất; Cờ Thi đua Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2020, Quỹ được Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.