Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: “Tiền lương khu vực công phải tiệm cận khu vực tư”

(Dân trí) - “Tiền lương là giá trị của sức lao động. Khu vực công hay tư, giá trị sức lao động đều như nhau. Do đó không có lý gì duy trì một khoảng cách lớn về tiền lương giữa 2 khu vực công, tư. Một bên là 1.300.000 đồng và một bên từ 2.760.000 - 3.980.000 đồng”.

Ông Bùi Sỹ Lợi nói về bất cập giữa lương trung khu vực công - tư

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - phát biểu tại Hội nghị tập huấn nghiệm vụ BHXH, BHYT, BHTN do Bảo hiểm xã hội VN tổ chức chiều 16/5 tại Bình Định.

Chỉ ra mâu thuẫn trong việc trả lương cho người lao động ở 2 khu vực công - tư, ông Bùi Sỹ Lợi phân tích: “Không thể để diễn ra tình trạng bất hợp lý như hiện nay. Tiền lương của khu vực công đang trả với mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng/tháng. Trong khi đó, khu vực tư (có quan hệ lao động) đang được tính với lương tối thiểu vùng từ 2.700.000 - 3.700.000 đồng/tháng”.

Thực tế bất cập này là một trong các nguyên nhân làm giảm động lực làm việc và thu hút nhân lực về lâu dài trong khu vực công. Trong khi đó, khu vực công có vai trò xây dựng và hình thành các chính sách cho cả hệ thống.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi: “Muốn có nguồn lực bền vững cho cải cách tiền lương, chúng ta cần thực hiện tốt việc đổi mới cải cách bộ máy hành chính, tinh giảm biên chế…Tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập cần chuyển sang việc thực hiện khoán kết quả đầu ra”.

Chia sẻ những điểm mới của Đề án cải cách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7 Khoá XII vừa qua, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Định hướng trong tương lai, tiền lương tối thiểu của khu vực công phải tiệm cận với tiền lương của khu vực tư.

“Cụ thể hơn, mức thấp nhất của tiền lương khu vực công phải bằng tiền lương tối thiểu của vùng 1, sau đó từng bước vươn tới bằng bình quân của 4 vùng lương. Đặc biệt, tới năm 2030, mức thấp nhất nêu trên phải cao hơn bình quân chung của 4 vùng lương của khu vực tư” - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Đây chính là việc thực hiện mục tiêu thu hút người tài vào khu vực Nhà nước, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”.

Bàn về nguồn lực cho cải cách tiền lương, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Hội nghị Trung ương 7 (Khoá XII) đã đưa ra 7 giải pháp nhằm tạo nguồn lực.

“Trong đó, giải pháp đầu tiên và căn cơ nhất là tăng thu ngân sách trên cơ sở tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, Trung ương phải trích tối thiểu 4 % để cải cách tiền lương và địa phương trích 7 %...” - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

“Không nên thôi biên chế ngành giáo dục”

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, giáo viên phổ thông cơ sở về cơ bản vẫn phải thực hiện chế độ biên chế, nhằm đảp ứng những công việc giảng dạy ở vùng khó khăn như miền núi hoặc hải đảo.

“Tuy nhiên, từ cấp THCS hoặc các trường chuyên, lớp chọn có thể áp dụng cơ chế hợp đồng tuyển giáo viên giỏi vào giảng dạy. Còn từ cấp giáo dục nghề nghiệp, đại học thì nên thực hiện sự nghiệp có thu, dần dần chuyển sang tự chủ và tự chịu trách nhiệm” - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Hoàng Mạnh