1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đặc sản "tiến vua" vào mùa giúp nông dân đếm tiền đều tay

Ngô Linh

(Dân trí) - Huyện Tiên Phước được xem là "thủ phủ" cây bòn bon của tỉnh Quảng Nam. Từ đầu tháng 8 âm lịch, quả bòn bon chín vàng rực mang lại thu nhập khá cho người trồng.

Quả bòn bon còn có tên gọi khác là nam trân, phụng quân… Tương truyền, loại quả này từng cứu đoàn quân của chúa Nguyễn Ánh thoát khỏi đói khát. Sau đó, năm nào ông cũng yêu cầu cung tiến và cắt cử người trông coi rừng cây quý này.

Đặc sản tiến vua vào mùa giúp nông dân đếm tiền đều tay - 1

Bòn bon hay còn gọi là nam trân (trái quý phương nam), xưa thường được dùng để tiến vua. Mùa thu hoạch bòn bon vào tháng 9, tháng 10 hàng năm (Ảnh: Ngô Linh).

Bòn bon xưa kia vốn là giống cây mọc trong rừng hoang. Quả bòn bon có vị thanh ngọt, được ưa chuộng. Người dân một số vùng ở Quảng Nam mang cây về vườn nhà trồng, và xem bòn bon như một loại cây đặc sản có giá trị, cho thu nhập cao.

Bòn bon thường được thu hoạch vào tháng 9, tháng 10 hàng năm, quả khi chín có màu vàng rực, mọc thành từng chùm ở thân và nhánh cây. Cây bòn bon được trồng nhiều ở các huyện miền núi, trung du Quảng Nam, trong đó Tiên Phước được xem là "thủ phủ" của loại cây này khi địa phương đang có gần 120ha.

Theo chia sẻ của người dân, sau liền 3 năm mất mùa do thời tiết bất thuận, năm nay bòn bon có quả trở lại.

Bòn bon đặc sản vào mùa chín rộ, cho người trồng đếm tiền đều tay (Video: Ngô Linh).

Đang tất bật làm cỏ cho vườn bòn bon của gia đình, bà Nguyễn Thị Sanh (60 tuổi, ở thôn Thanh Bôi, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước) cho hay, 3 năm qua, thời tiết thất thường, khắc nghiệt gây ảnh hưởng lớn đến cây bòn bon. Mùa hè nắng nóng, khan hiếm nguồn nước tưới, mùa mưa bão gặp gió chướng, bòn bon gãy cành, suy cây.

"Mấy năm liền ở đây mất mùa, có vườn ra quả trái mùa, phải đến tháng 12 mới chín, quả bị chua và dễ suy cây. Năm nay, bòn bon ra đúng vụ nhưng cũng không nhiều", bà Sanh nói thêm.

Đặc sản tiến vua vào mùa giúp nông dân đếm tiền đều tay - 2

Cây bòn bon mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân (Ảnh: Ngô Linh).

Cũng theo bà Sanh, giá bòn bon đầu mùa khoảng hơn 50.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 20.000-30.000 đồng/kg (tùy chất lượng quả), do nhiều vườn bắt đầu chín đồng loạt. Vườn của gia đình bà Sanh có hơn 30 cây bòn bon nhưng chỉ 8 cây cho quả, cây sai nhất sản lượng khoảng 100kg. Vụ mùa năm nay, bà có thể thu về hơn 12 triệu đồng.

Năm nay, vườn bòn bon của gia đình ông Trần Đình Chương (59 tuổi, ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước) cho quả khoảng 12 cây trên tổng số 35 cây của gia đình. Vụ mùa này ông Chương nhẩm tính có thể thu về hơn 15 triệu đồng.

Ông Chương cho hay, bòn bon là cây kinh tế, đem lại thu nhập khá cho người dân, hiện được nhân rộng ở nhiều nơi. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mùa quả bị ảnh hưởng bởi thời tiết như nắng nóng kéo dài, thiếu nguồn nước tưới, hay mưa bão gây gãy cành, suy cây…

"Nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng măng cụt thay cho bòn bon. Gia đình tôi cũng đang thử nghiệm vài cây. Tôi chỉ dự định trồng xen canh chứ không chặt bỏ bòn bon, bởi đây cũng là cây cho thu nhập khá", ông Chương chia sẻ.

Đặc sản tiến vua vào mùa giúp nông dân đếm tiền đều tay - 3

Quả bòn bon khi chín có màu vàng, vị ngọt thanh, hơi chua nhẹ ,được nhiều người yêu thích (Ảnh: Ngô Linh).

Xã Tiên Châu là nơi trồng nhiều bòn bon của huyện Tiên Phước. Từ tháng 4, UBND xã Tiên Châu triển khai mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng trên cây bòn bon tại 2 hộ dân. Mô hình đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Đánh giá chung, năng suất bình quân các vườn tham gia mô hình đạt hơn 13 tấn/ha, cao hơn 2 lần so với vườn trồng đại trà trên cùng địa bàn (6,06 tấn/ha). Hơn nữa, trái bòn bon sáng đẹp, chất lượng cao hơn so với vườn đại trà.

Nhờ đó, hiệu quả kinh tế thu được từ vườn tham gia mô hình đạt hơn 288 triệu đồng/ha, cao hơn vườn đại trà 130 triệu đồng/ha.

Với những kết quả đạt được, UBND huyện Tiên Phước yêu cầu Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước cùng xã Tiên Châu tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng trái bòn bon, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường.