1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đà Nẵng: Giảm hơn 42.000 lao động tham gia BHXH do dịch Covid-19

Khánh Hồng

(Dân trí) - Dịch Covid-19 lần 2 như một “cú hích” khiến số lao động tham gia BHXH bắt buộc tại Đà Nẵng giảm mạnh.

Lao động tham gia BHXH bắt buộc giảm mạnh

Trao đổi với PV Dân trí hôm 23/9, ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng - cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lao động tham gia BHXH bắt buộc thời điểm này giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 và đầu năm 2020.

Cụ thể, ngày 31/1/2020, khi chưa bị ảnh hưởng dịch, số lao động tham gia BHXH bắt buộc là hơn 249.000 người, tăng 6.820 so với cùng kỳ năm trước (tăng 2,82%).

Tuy nhiên đến ngày 30/4, số lao động tham gia BHXH bắt buộc là 210.377 người, giảm 25.244 người so với cùng kỳ năm trước (giảm 10,71%).

Đà Nẵng: Giảm hơn 42.000 lao động tham gia BHXH do dịch Covid-19 - 1

Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến số lao động tham gia BHXH giảm mạnh (ảnh minh họa)

Đến tháng 6, khi Đà Nẵng đã hết dịch Covid-19 đợt 1, tình hình bắt đầu chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 30/6 có 219.113 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 16.789 người so với cùng kỳ năm trước (giảm 7,12%) nhưng so với tháng trước tăng 5.908 người (tăng 2,8%).

Dịch Covid-19 bùng phát lần 2, đến ngày 31/8 có 206.740 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 32.613 người so với cùng kỳ năm trước (giảm 13,63%) và giảm 42.277 người so với tháng 1/2020 (giảm 17%).

Tính đến ngày 31/8, toàn Đà Nẵng có 2.188 doanh nghiệp tham gia BHXH bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, trong đó, 568 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng; 44.635 lao động giảm đóng BHXH, trong đó nghỉ việc 20.707 người, nghỉ không lương 23.057 người, tạm hoãn hợp đồng, tai nạn lao động, nghỉ ốm đau 871 người.

Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19

Theo ông Nguyễn Huỳnh Anh, để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp.

Cụ thể, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan, tham mưu UBND TP ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đà Nẵng: Giảm hơn 42.000 lao động tham gia BHXH do dịch Covid-19 - 2

Để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp trong thời gian qua

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng đã giải quyết tạm dừng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 26 đơn vị sử dụng lao động với 3.435 lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng: 13.241 triệu đồng. Đã xác nhận sổ BHXH cho 17.212 trường hợp nghỉ việc do ảnh hưởng bởi dịch.

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cũng xây dựng kế hoạch hằng tuần làm việc với tất cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, phương án sử dụng lao động theo từng tháng, quý, năm (lao động tiếp tục tham gia BHXH, lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc có hưởng lương...).

Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động đúng quy định khi hết ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Tính đến 31/8, TP Đà Nẵng có gần 2.000 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền gần 196 tỷ đồng.

Trong đó, có 989 đơn vị thuộc diện nợ khó đòi được xác định là mất tích, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn với tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN gần 56 tỷ đồng.

Trước tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm thu hồi nợ và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng đã thực hiện kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Tiếp tục phối hợp với Công an thành phố trong việc đôn đốc thu nợ, lập hồ sơ xử lý các đơn vị có dấu hiệu tội phạm, trong đó, đã thống nhất với Công an thành phố sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp liên ngành; kiên quyết khởi tố đối với một số đơn vị nợ kéo dài.

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cũng đã báo cáo Thành ủy, UBND TP, Sở LĐ-TB&XH và các ngành các đơn vị nợ đọng chây ì để chỉ đạo xử lý nợ kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.