1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cuối năm, người nuôi lợn rừng, chim trĩ ở Nam Định đắt khách

Đức Văn

(Dân trí) - Cuối năm, những loại đặc sản như lợn rừng, chim trĩ được khách lùng mua về ăn tết hoặc làm quà biếu. Nhờ vậy, những người dân nuôi lợn rừng và chim trĩ ở Nam Định cũng vì thế mà "bội thu".

Là một trong người tiên phong nuôi lợn rừng ở Nam Định, trang trại của ông Nguyễn Văn Sáng (xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đang nuôi khoảng 100 con lợn rừng.

Trước khi chăn nuôi lợn rừng, ông Sáng có nhiều năm nuôi dê, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Ông chuyển sang tìm hiểu và chăn nuôi một lúc 3 loài động vật (nhím, cầy hương, lợn rừng). Tuy nhiên, chỉ có lợn rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Cuối năm, người nuôi lợn rừng, chim trĩ ở Nam Định đắt khách - 1

Cuối năm, lợn rừng được nhiều khách lùng mua, người chăn nuôi vì thế cũng vì thế mà "bội thu"

Từ khi thấy nuôi lợn rừng có hiệu quả kinh tế cao, ông Sáng đã chuyển hẳn sang nuôi một mình lợn rừng, chăn nuôi lợn rừng cũng vừa nhàn, vừa dễ nuôi; không vất vả, tốn nhiều công chăm sóc.

Giá cả ổn định. Nguồn thức ăn lại dễ tìm, chủ yếu cho ăn thân cây chuối, bã đậu và một số loại rau. Dòng lợn rừng mà gia đình ông đang nuôi thuộc dòng lợn rừng Thái lai Việt, chất lượng thịt thơm ngon.

Ông Sáng cho biết thêm, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên nhiều gia đình nuôi lợn rừng đã không giữ được vì vậy mà thị trường lợn rừng năm nay trở nên khan hiếm.

Hiện giá lợn rừng xuất bán trên thị trường đang dao động từ 160.000 - 180.000đ/kg (lợn hơi). So với năm ngoái, giá bán đang cao hơn từ 10.000 - 15.000đ/kg.

Cuối năm, người nuôi lợn rừng, chim trĩ ở Nam Định đắt khách - 2

Chăn nuôi lợn rừng cũng vừa nhàn, vừa dễ nuôi; không vất vả, tốn nhiều công chăm sóc

Để đáp ứng nguồn cung cho thị trường cuối năm, gia đình ông đã chuẩn bị gần 70 con lợn rừng thương phẩm, cân nặng từ 20 - 40kg/con. Hiện nay, số lợn thương phẩm này cũng đã được khách đặt sạch, chỉ chờ ngày đến bắt.

Hiện nay, ngoài phục vụ lợn thương phẩm cho các nhà hàng, khách sạn… ông còn cung cấp con giống cho người dân trong và ngoài tỉnh. Theo tính toán của ông Sáng, mỗi năm gia đình ông "đút túi" hơn 200 triệu đồng (đã trừ chi phí) từ mô hình chăn nuôi lợn rừng.

Còn đàn lợn rừng của gia đình công Trần Trọng Thắng, thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định mấy ngày cuối năm cũng liên tục có khách hàng quen gọi điện đến để đặt mua.

Cuối năm, người nuôi lợn rừng, chim trĩ ở Nam Định đắt khách - 3

Cuối năm, một số trang trại nuôi lợn rừng quy mô nhỏ được đặt hàng nhiều

Theo ông Thắng, thịt lợn rừng có những điểm vượt trội như giàu chất đạm, không có mỡ, da dày, thịt thơm…, thịt lợn rừng được nhiều người mua về ăn hoặc làm quà biếu vào dịp Tết. Thị trường tiêu thụ lợn rừng bước đầu nhỏ lẻ, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh.

Gần Tết, lượng khách tăng lên gấp nhiều lần, họ mua về ăn hoặc làm quà biếu. Chính vì thế, đợt cuối năm "cung" không đủ "cầu" phục vụ thị trường. Gia đình ông nuôi khoảng 20 con thì cũng đã cháy hàng.

Ngoài nuôi và phát triển lợn rừng, hiện nay, tại Nam Định, các trang trại nuôi chim trĩ vào cuối năm cũng khá bận rộn.

Bà Trịnh Thị Tuyết, xóm 7, xã Quyết Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, đang nuôi hơn 2.000 con, trong đó khoảng 1.000 con chim trĩ trống thương phẩm, còn lại là chim bố mẹ.

Để có chim trĩ cung ứng ra thị trường vào đúng dịp Tết Nguyên đán, từ tháng 4 âm lịch, gia đình bà bắt đầu vào đàn mới để chăm sóc. Hiện gia đình bà đã bán được hơn hơn 300 con trống thương phẩm cho khách hàng và sức mua bắt đầu tăng dần.

Cuối năm, người nuôi lợn rừng, chim trĩ ở Nam Định đắt khách - 4

Ngoài lợn rừng, chim trĩ cũng là loại "đặc sản" mà khách chuộng dịp cuối năm

Chim trĩ của gia đình bà Tuyết nuôi không chỉ phục vụ trong tỉnh mà còn gửi đi khắp các nơi. Để có thể giao hàng nhanh nhất cho khách hàng, bà Tuyết chủ yếu gửi chim trĩ theo xe khách.

Theo bà Tuyết, khách hàng mua chim trĩ có thể nuôi làm cảnh, làm quà biếu hoặc mua ăn vào dịp lễ, Tết. Do vậy, giá chim trĩ trống sẽ dao động từ 250.000 - 500.000đ/con, tùy theo vóc dáng, màu sắc, cân nặng.

Dự kiến trong khoảng 1 tháng giáp Tết, gia đình bà Tuyết sẽ thu về được khoảng gần 100 triệu đồng từ việc bán chim trĩ thương phẩm phục vụ Tết.

Ngoài nuôi chim trĩ thương phẩm bán Tết, gia đình bà Tuyết còn nuôi thêm chim trĩ sinh sản, năm nào bà cũng duy trì trên dưới 500 chim trĩ mái sinh sản. Với số chim trĩ này, mỗi năm bà Tuyết cung ứng cho thị trường chim trĩ trên 20.000 con chim trĩ giống, doanh thu hàng trăm triệu đồng.