Cúc mâm xôi miền Tây tấp nập rời vườn ra Hà Nội đón Tết sớm

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Năm nay nông dân Bến Tre trồng khoảng 1,5 triệu chậu cúc mâm xôi, những chậu cúc nở sớm sẽ được thương lái thu mua để đưa đi bán ở thị trường Hà Nội.

"Năm nay mưa nhiều, nhưng sâu bệnh ít, vụ cúc mâm xôi trúng. Tôi trồng 1.500 chậu, chi phí mỗi chậu hơn 30.000 đồng, bán được 80.000 đồng.

Mấy hôm nay tôi đã bán được 200 chậu rồi, số còn lại thương lái cũng đã đặt hết. Đến giờ là rất yên tâm, rất mừng", ông Trần Văn Ấu (61 tuổi, ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) chia sẻ trong khi đang tính tiền bán bông (hoa) với thương lái.

Cúc mâm xôi miền Tây tấp nập rời vườn ra Hà Nội đón Tết sớm - 1

Những chậu cúc nở sớm đang được đưa lên khỏi ruộng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Ấu cho biết, trồng cúc mâm xôi bán Tết là công việc chính của rất nhiều hộ dân trong vùng. Cúc là loại hoa nở dài ngày nhất, giá cũng cao hơn nhiều so với vạn thọ, mào gà...

Cứ tháng 6 hàng năm, nhà vườn bắt đầu xuống giống. Trồng cúc rất cực, vì ngoài chăm bón, nông dân còn phải ngắt đọt cây nhiều lần để chậu bông phân nhiều nhánh, xum xuê.

Cách nhà ông Ấu không xa, gia đình ông Đặng Văn Thành (47 tuổi) cũng đang thu hoạch cúc mâm xôi. Những người đàn ông phụ trách việc bó bông và đưa bông từ ruộng vào bờ, những người phụ nữ sẽ lấy giấy trùm bông, tránh dập nát khi vận chuyển đi xa.

Cúc mâm xôi miền Tây tấp nập rời vườn ra Hà Nội đón Tết sớm - 2

Hoa cúc nở sớm sẽ được vận chuyển ra bán ở thị trường Hà Nội, vì khí hậu ở đây lạnh hơn, hoa sẽ nở chậm (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Năm nay tôi trồng 4.000 chậu cúc mâm xôi, chi phí 120 triệu đồng. Đến hiện tại bạn hàng đã mua hết với giá 85.000 đồng/chậu, lời khá.

Năm nay mưa nhiều nhưng không sâu bệnh, trồng hoa ít tốn kém hơn, hoa cũng đẹp hơn mấy năm trước. Giá bán xấp xỉ mọi năm, nhưng năm nay dễ bán", ông Thành cho biết.

Cùng làm việc trên cánh đồng hoa với ông Thành, ông Nguyễn Văn Liếp cũng đang tích cực bó hoa để kịp giao cho thương lái. Năm nay vợ chồng ông Liếp trồng 1.800 chậu cúc mâm xôi, đã bán hết.

Cúc mâm xôi miền Tây tấp nập rời vườn ra Hà Nội đón Tết sớm - 3

Nông dân tất bật thu hoạch hoa (Ảnh: Nguyễn Cường).

Lão nông tính toán sau 6 tháng vất vả, vườn cúc cho lãi trên 80 triệu đồng, đủ cho 2 vợ chồng chi tiêu cả năm tiếp theo.

"Hoa trong vườn không phải chậu nào cũng như chậu nào. Có chậu đẹp, có chậu không đẹp lắm, có chậu nở sớm, có chậu nở muộn.

Năm nay hoa của tôi khoảng 90% đạt chất lượng. Những chậu nở sớm sẽ bán cho thương lái đưa đi Hà Nội, vì ra Bắc trời lạnh, hoa sẽ ngừng nở hoặc nở chậm, tươi đến qua Tết. Còn những chậu nở sát Tết sẽ được bán cho thương lái đưa đi TPHCM", ông Liếp nói. 

Còn hơn 20 ngày nữa là Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, khắp các vườn cúc mâm xôi ở Chợ Lách đang tích cực chăm sóc sản phẩm của mình. Với họ, tiền tiêu cả năm tiếp theo phụ thuộc vào một tháng này.

Cúc mâm xôi miền Tây tấp nập rời vườn ra Hà Nội đón Tết sớm - 4

Cúc mâm xôi cũng như đào, mai, quất, đều đã trở thành cây cảnh chưng Tết truyền thống của người Việt (Ảnh: Nguyễn Cường).

Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, huyện Chợ Lách có hơn 6.400 hộ sản xuất, kinh doanh cây và hoa cảnh. Cây và hoa cảnh chủ lực của huyện gồm mai, hoa giấy, kiểng thú, cúc mâm xôi…

Vụ Tết năm nay, người dân Chợ Lách sản xuất hơn 10 triệu sản phẩm hoa, cây cảnh để bán khắp cả nước, trong đó có khoảng 1,5 triệu chậu cúc mâm xôi.

Để tôn vinh ngành nghề chính của địa phương, huyện Chợ Lách đã lên kế hoạch tổ chức Lễ hội hoa kiểng từ ngày 8 đến 12/1 với nhiều hoạt động, trong đó nổi bật nhất là xây dựng đường hoa dài 15km đạt kỷ lục Việt Nam.