“Cửa biển tử thần”
Nhiều tàu cá khi ra vào cửa biển Mỹ Á, xã Phổ Quang (Đức Phổ, Quảng Ngãi) bị sóng đánh va vào đá vỡ tan tành. Ngư dân trên tàu rơi xuống biển bị sóng cuốn tử vong. Nhiều người gọi đây là “cửa biển trăm tỉ” hay “cửa biển tử thần”, nơi ác hiểm đối với những con tàu cá và ngư dân khi ra vào bến.
Đau thương nơi cửa biển
Sau hơn 3 ngày đêm tìm kiếm, đến sáng 27.11, lực lượng chức năng cùng người dân địa phương tìm thấy thi thể ngư dân Nguyễn Cao Nguyên ở xã Phổ Quang bị rơi xuống biển. Những ngư dân câu cá ven biển phát hiện thi thể tấp vào bờ vội báo cho lực lượng chức năng. Vậy là không xảy ra điều kỳ diệu như mọi người mong đợi. Anh ngoi ngóp trong sóng dữ rồi ra đi, bỏ lại người vợ trẻ và 3 con thơ dại, cháu nhỏ nhất vừa chào đời chưa kịp cảm nhận tình yêu thương của người cha qua vòng tay ôm ấp, vỗ về.
Trước đó, vào khoảng 22 giờ đêm 23.11, tàu cá QNg-98016-TS do anh Trần Công Trứ (sinh năm 1978, ở cùng quê) chạy vào đến đầu cửa biển Mỹ Á thì gặp nạn. Những con sóng lớn nơi cửa biển bao trùm con tàu với công suất 715CV đang ngả nghiêng trên sóng nước. Trên tàu lúc này có anh Trứ cùng với 10 thuyền viên mặt tái mét vì sợ và rét lạnh.
Sóng đánh dữ dội làm chiếc tàu chao đảo, anh Nguyên và ngư dân Nguyễn Hữu Đảm bị hất văng xuống biển, giàn lưới phía trước tàu rơi xuống nước quấn chặt chân vịt khiến tàu không thể hoạt động. Những thuyền viên trên tàu vội ném dây thừng xuống cứu vớt khi nghe tiếng kêu cứu xen lẫn ầm ào sóng gió.
Anh Đảm may mắn bắt được sợi dây nên thoát chết, anh Nguyên bị sóng nhấn chìm trước tiếng kêu gào tìm kiếm của bạn chài đến khản cả giọng.
“Lúc đó, sóng lớn lắm, trời tối đen như mực. Gió gào thét liên hồi. Anh Đảm ôm cột phía trước mũi tàu để rọi đèn. Anh Ngô Văn Quy đứng bên phải, anh Nguyên đứng bên trái giúp tôi điều khiển con tàu đang ngả nghiêng trên sóng. Một con sóng đánh mạnh làm tàu ngã sang bên, tưởng bị nhấn chìm. Khi tỉnh hồn nhìn lại thì không thấy anh Nguyên đứng cạnh tôi như trước đó. Tôi vội hô hoán anh em tìm kiếm nhưng chỉ cứu được anh Đảm, anh Nguyên thì…” - anh Trứ nghẹn ngào.
Ôm cánh tay bị chấn thương đứng trên bờ dõi mắt nhìn về phía con tàu bị sóng quăng quật vào ghềnh đá, anh Lê Tấn Lãnh vẫn chưa hết bàng hoàng. Hơn 10 năm lênh đênh trên sóng nước, đối diện với bao trận cuồng phong nhưng chưa lần nào anh sợ hãi đến thế.
“Sóng mạnh lắm, tàu lắc dữ dội nên tôi phải bám vào thành tàu. Chợt tàu như ngã nhào, cửa sổ kẹp cứng tay trái của tôi, rút mãi không ra. Lúc ấy, tôi nghĩ tàu chìm thì mình chết chắc chứ đâu thoát ra được mà bơi vào bờ. Mãi lúc sau mới gỡ tay ra được. Tội cho anh Nguyên quá! Ảnh chỉ mới có 30 tuổi đời. Vợ và 3 đứa con trông chờ vào những chuyến đi biển của ảnh. Thương đứt ruột khi đứa con nhỏ của ảnh vừa mới chào đời…” - anh Lãnh rớm lệ.
Bầu trời xám xịt. Mưa quất vào mặt rát buốt. Những cơn sóng nối nhau bổ vào bờ ầm ầm như muốn xé toang hai thân đê bằng bêtông nơi cửa biển Mỹ Á. Con tàu bị sóng lôi ra rồi lại đẩy mạnh vào bờ đá, bể tan tành trước những ánh mắt bất lực của nhiều ngư dân hàng chục năm ngụp lặn cứu hộ tàu bị nạn.
“Đau xót cho hoàn cảnh của thằng Nguyên. Nó mất đi để lại vợ và 3 con nhỏ, đứa nhỏ nhất vừa chào đời. Vợ con trông chờ vào việc nó đi biển kiếm tiền. Giờ nó mất đi thì biết lấy ai lo cho gia đình. Giờ phải lo mai táng thằng Nguyên rồi chờ biển êm mới cứu nạn tàu thằng Trứ. Sóng lớn mấy bữa nay xô đẩy tàu vào đá bể tan tành hết rồi, chỉ mong lấy được máy tàu thôi. Thiệt hại ước tính khoảng 3 tỉ đồng. Cả thằng Trứ và anh em bạn chài lấy gì ra khơi đánh bắt để kiếm sống trong những ngày sắp tới” - ông Võ Xuân Cẩm - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Quang - than thở.
Chiếc tàu cá QNg-48909-TS với công suất 80CV của ngư dân Hành Văn Hóa cũng bị sóng nhấn chìm tại cửa Mỹ Á. Khi quay lại vớt thuyền viên trên tàu gặp nạn thì tàu cá của ông Trần Cu Ly đã bị sóng bủa ngang, tàu lắc mạnh làm cho thuyền viên Võ Minh Châu rơi xuống biển bị sóng cuốn trôi đến ngày hôm sau mới tìm thấy thi thể cách đấy khoảng 20km. “Tội nghiệp cho thằng Châu yểu mệnh bỏ lại vợ hay đau ốm cùng 3 con nhỏ khiến cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Còn thằng Hóa, giờ không dám đưa tàu về bến cá Mỹ Á nữa vì sợ bị gặp nạn như lần trước…” - lão ngư Nguyễn Xếch - Trưởng Vạn chài Hải Tân - cho biết.
Đầu tư trăm tỉ, tàu vẫn đắm
Bao đời, cửa biển Mỹ Á là cửa hiểm đối với tàu cá và ngư dân khi ra vào bến. Cứ sau Tết Nguyên đán là cửa biển bị bồi lấp làm cho tàu cá không thể ra vào bến. Hàng trăm người dân ở Phổ Quang chung sức nạo vét với cuốc, xẻng để đào bới suốt ngày, chà chắn ngang dòng lạch nhỏ cho nước dâng cao rồi tiếp tục đào bới, phá đập chắn để dòng nước đẩy cát trôi xa cửa biển.
Đầu năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi đầu tư kinh phí xây dựng công trình cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á (giai đoạn 1). Công trình bao gồm các hạng mục chủ yếu: Đê bắc, đê nam, đê chắn cát - ngăn lũ, vũng neo đậu tàu thuyền, luồng ra vào và bến cá. Theo thiết kế, khi đưa vào sử dụng thì công trình sẽ đảm bảo cho 400 tàu cá với công suất mỗi chiếc lên đến 400CV ra vào cửa biển và neo trú an toàn trong mọi tình huống thời tiết.
Mãi đến cuối năm 2011, dự án mới được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng với kinh phí lên đến 117 tỉ đồng. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định thu hồi số tiền sai phạm hơn 712 triệu đồng. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã yêu cầu Giám đốc Sở NNPTNT tổ chức kiểm điểm đối với những tổ chức, cá nhân liên quan.
Mục tiêu của dự án là phát triển kinh tế biển, tạo thuận lợi cho tàu cá 400CV ra vào cửa biển an toàn. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng đến nay đã có 15 tàu cá của ngư dân gặp nạn khi ra vào cửa biển. Trong đó, có 3 tàu cá công suất lớn bị hư hại hoàn toàn với khoản thiệt hại hơn 6 tỉ đồng. “Công bằng mà nói thì việc đầu tư xây dựng dự án giai đoạn 1 đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vươn khơi đánh bắt của bà con ngư dân địa phương. Nhưng cửa biển vẫn chưa được thông thoáng và còn nhiều tảng đá ngầm gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại, nhất là khi đến mùa mưa bão. Chúng tôi mong muốn cấp trên sớm đầu tư kinh phí xây dựng giai đoạn 2 để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc khai thác hải sản của ngư dân” - ông Võ Văn Xinh - Chủ tịch UBND xã Phổ Quang - kiến nghị.
Nhiều lần tác nghiệp tại cửa biển Mỹ Á, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh ngư dân gắng sức kéo căng những sợi thừng buộc với thân tàu để tránh đá ngầm chập chờn giữa sóng nước. Trên bờ, những người mẹ, người vợ của ngư phủ dõi mắt nhìn theo con tàu với gương mặt đầy âu lo. Khi tàu ra khỏi cửa biển, họ mới thở phào nhẹ nhõm sải bước về nhà.
Trong lần ra khơi tác nghiệp trên tàu cá QNg-98530-TS của lão ngư Nguyễn Xếch, tôi thấy ông cùng 10 thuyền viên trên tàu hết sức căng thẳng. Ông tập trung cao độ điều khiển con tàu tránh những tảng đá ẩn hiện dưới sóng nước nơi cửa biển tựa như hung thần đòi mạng, sẵn sàng đánh vỡ và nhấn chìm khi tàu va vào. Ra khỏi cửa biển, họ thở phào nhẹ nhõm như vừa chiến thắng tử thần.
“Chỉ có những tàu cá đánh bắt gần bờ mới về bến cá Mỹ Á. Hầu hết tàu cá công suất lớn đánh bắt trên các vùng biển xa thường vào nơi khác neo trú, bán hải sản và mua nguyên liệu ở nơi khác chứ không dám về bến vì quá nguy hiểm. Nếu cửa biển an toàn, những tàu cá của ngư dân trong xã trở về đây sẽ tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương và dịch vụ hậu cần nghề cá cũng phát triển hơn” - Ông Võ Xuân Cẩm - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Quang.
Phổ Quang hiện có 202 tàu cá với tổng công suất hơn 90.000CV cùng gần 1.900 ngư dân đánh bắt trên biển. Sản lượng hải sản khai thác hằng năm trên 12.000 tấn, doanh thu khoảng 360 tỉ đồng.
Theo Báo Lao động