1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cử tri: Bộ trưởng trả lời thẳng thắn và có trách nhiệm

Xuân Sinh Tiến Thành

(Dân trí) - Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung được nhiều cử tri đánh giá cao. Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm và giải đáp đầy đủ những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Qua theo dõi phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung trong ngày 10-11/11, nhiều cử tri đánh giá Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nắm rất chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn và trách nhiệm. Qua đó thể hiện là người tâm huyết và tận tụy với công việc quản lý nhà nước Ngành lao động, chăm lo công tác an sinh xã hội, người lao động...

Trao đổi với PV, cử tri Hoàng Ngọc Hòa (trú tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) đánh giá, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thỏa đáng, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri, trong đó có các chính sách hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ông Hòa cũng đánh giá cao việc thực hiện các thủ tục, quy trình giải quyết chính sách vừa qua của Ngành lao động, qua đó mang lại những kết quả thiết thực, kịp thời, đi sâu sát vào đời sống của người dân, người lao động.

Cử tri: Bộ trưởng trả lời thẳng thắn và có trách nhiệm - 1

Cử tri Hoàng Ngọc Hòa trao đổi quan điểm, đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: Tiến Thành).

"Với những việc mà ngành lao động đã làm được thời gian qua, nhất là chính sách hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là hết sức thiết thực và được sự đồng tình, ủng hộ rất cao. Cử tri mong muốn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Ngành lao động sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; nâng cao năng lực của cán bộ để đáp ứng chính sách đi sát vào đời sống người dân, kịp thời, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng", cử tri Hoàng Ngọc Hòa nêu quan điểm.

Còn với cử tri Lê Minh Tâm rất quan tâm đến các chính sách dành cho phụ nữ và trẻ em. Là một cử tri Quảng Bình, ông Tâm đặc biệt chú ý phần chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung của bà Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Qua trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cử tri Lê Minh Tâm cũng rất hài lòng và nhận xét Bộ trưởng trả lời hết sức chặt chẽ, đúng trọng tâm các vấn đề mà ông cũng như nhiều cử tri khác quan tâm.

Cử tri: Bộ trưởng trả lời thẳng thắn và có trách nhiệm - 2

Nhiều cử tri rất quan tâm đến vấn đề hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Tiến Thành).

Cụ thể, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rất rõ, phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là phụ nữ nuôi con nhỏ. Do đó, Nghị quyết số 68 có những chính sách dành riêng cho phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Đối với chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong 7 nhóm giải pháp, đã có một nhóm giải pháp dành riêng cho lao động nữ, như hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, có thể thấp 3 lần so với bình thường; hỗ trợ chương trình bình đẳng giới, phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng đề án chiến lược 10 năm tới về phát triển và bảo đảm quyền bình đẳng giới.

"Cử tri chúng tôi cũng rất quan tâm đến công tác giải quyết những ảnh hưởng do Covid-19 để lại, đặc biệt là câu hỏi của đại biểu về nhiều trẻ mồ côi. Trong vấn đề này, Bộ trưởng cũng đã nhấn mạnh chính sách cũng như kinh phí hỗ trợ. Bộ trưởng nêu rõ, Việt Nam có trên 2.500 trẻ mồ côi do dịch Covid-19 và đều có mức hỗ trợ, bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội. Qua đó có thể thấy việc chăm lo cho các nhóm đối tượng yếu thế, mồ côi, trẻ em… của Ngành lao động là rất tốt, rất kỹ", cử tri Lê Minh Tâm bày tỏ quan điểm.

Đánh giá về những kết quả trong lĩnh vực lao động, chính sách thời gian qua của Chính phủ, cũng như Bộ LĐ-TB&XH, cử tri Nguyễn Tiến Trình, đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh cho biết, nhiều chính sách rất thiết thực và có những bước ngoặt nhất định.

Cử tri: Bộ trưởng trả lời thẳng thắn và có trách nhiệm - 3

Ông Nguyễn Tiến Trình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh (Ảnh: Xuân Sinh).

"Những chính sách hỗ trợ người nghèo, người yếu thế là rất tốt và hiệu quả. Bộ LĐ-TB&XH có nhiều sự điều chỉnh, thay đổi, đổi mới, những cái đó rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19, một số chính sách như hỗ trợ thất nghiệp được thực hiện rất là nhanh, kịp thời", ông Nguyễn Tiến Trình nói.

Tuy nhiên, theo ông Trình cũng còn một số vấn đề chưa được hài hòa. Chẳng hạn cùng một doanh nghiệp, nhưng bộ phận này được hỗ trợ, còn bộ phận khác thì không. Chính vì vậy, đã tạo áp lực lên doanh nghiệp.

"Ví dụ như công ty tôi có rất nhiều bộ phận như kế toán, điều hành, hướng dẫn viên… nhưng chỉ có hướng dẫn viên được nhận sự hỗ trợ. Trong khi ảnh hưởng thì như nhau. Cái này cũng tạo ra áp lực cho người sử dụng lao động, vì trong cùng một đơn vị mà người được, người không. Tuy nhiên, để đảm bảo cho tất cả lao động thì rất khó, cái này mình cũng phải hiểu và chia sẻ với Chính phủ", ông Nguyễn Tiến Trình chia sẻ.

Nói về công tác đào tạo nguồn lao động và giải quyết việc làm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ, của Bộ về những kết quả đã đạt được.

"Theo tôi thấy những năm gần đây, công tác tạo điều kiện cho người lao động, việc phân bổ nguồn lao động vùng miền khá hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho lao động khá tốt và hiệu quả. Đặc biệt là trong những năm xảy ra dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ thất nghiệp thấp. Các chính sách về xuất khẩu lao động, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Bộ vẫn đàm phán với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, tạo cơ hội cho người dân có được đi xuất khẩu lao động", ông Trình chia sẻ.

Chia sẻ về những mong muốn trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh mong Bộ LĐ-TB&XH có những chính sách có chiều sâu hơn đối với các ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài như ngành du lịch, để từ đó có những chính sách dành riêng cho các ngành nghề đó.

"Ví dụ ngành nghề bị ảnh hưởng nặng, bị ảnh hưởng lâu dài thì sẽ hỗ trợ khác với những ngành nghề chỉ ảnh hưởng nhẹ. Như vậy các doanh nghiệp họ sẽ đỡ vất vả hơn. Phải nói thật rằng, 2 năm qua ngành du lịch đang cố gắng trụ lại, nhưng thời gian tới sẽ không trụ được nữa, đặc biệt ngành lữ hành", ông Nguyễn Tiến Trình chia sẻ thêm.