Cử nhân Tây Bắc thất nghiệp: Chọn sai, học lại hay thất nghiệp?

Không có định hướng và quy hoạch khi đào tạo, hàng nghìn kỹ sư, cử nhân trên địa bàn Tây Bắc sau khi tốt nghiệp không tìm kiếm được việc làm.

Điều này, đồng nghĩa với việc lãng phí chất xám và công sức đào tạo của nhà nước, cũng như tiền bạc của người dân. Hệ lụy là đang có rất nhiều gia đình, nhất là các hộ nghèo là đồng bào các dân tộc vùng cao lâm vào cảnh mang nợ sau khi cho con em đi học.

Không có việc làm, nhiều sinh viên Lai Châu sau khi ra trường chỉ còn biết ở nhà phụ giúp gia đình làm nông nghiệp để.... chờ cơ may việc làm.
Không có việc làm, nhiều sinh viên Lai Châu sau khi ra trường chỉ còn biết ở nhà phụ giúp gia đình làm nông nghiệp để.... chờ cơ may việc làm.

Tưởng chừng phi lý nhưng thực trạng tại Lào Cai hiện nay, nhiều trường hợp được ghi nhận đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp nhưng không tìm được việc làm lại quay ra đi học nghề.

Tại Trường Cao đẳng Nghề tỉnh Lào Cai, chúng tôi tiếp xúc với bạn Nguyễn Tài Thu, sinh năm 1988, người dân tộc Tày, xã Khánh Trung, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, học viên năm thứ 3 lớp cao đẳng nghề điện K4C. Trước khi vào học nghề tại trường, Thu đã từng tốt nghiệp Đại học Phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội.

Sau khi ra trường loay hoay không xin được việc, Thu trở về Lào Cai để gần gia đình, nhưng khát khao học tập và tìm kiếm một việc làm ổn định trong Thu vẫn cháy bỏng.

Thu tiếp tục thi vào lớp Đại học tại chức Giao thông từ xa tại Lào Cai cho người vừa học vừa làm, ngày đi bốc vác thuê kiếm tiền, tối đến lớp học. Theo đuổi được 3 năm thì tiền công bốc vác hàng ngày và cả tiền vay nợ thêm cũng không gồng gánh nổi chi phí cuộc sống và học tập, Thu đã quyết định bảo lưu, kiếm tiền chờ học tiếp.

Đến năm 2014, sau bao lần suy nghĩ về thời cuộc, về tương lai, Thu đã chuyển hướng nộp hồ sơ đăng ký theo học nghề điện. Từ đó tới nay, song song với việc học ở trường, Thu tranh thủ làm thêm, sửa chữa thuê cho các công ty, các hộ gia đình, công việc và số tiền kiếm được thực tế hơn so với những giấc mơ xa vời từ nhiều năm trước.

Nguyễn Tài Thu chia sẻ: “Ngày xưa em không có định hướng gì, lúc mới học xong cấp III em chỉ suy nghĩ đơn giản là thích được đi học ở một trường nào đó dưới Hà Nội thôi. Em theo học mấy trường kia xong đầu ra khó xin việc nên em quyết định nghỉ và cứ công việc nào kiếm ra tiền thì em làm, ví dụ như bốc vác. Rồi sau đó em nộp hồ sơ đi học trường nghề, học xong có một cái nghề sẽ dễ kiếm việc làm hơn”.

Câu hỏi đặt ra là, đối với các trường hợp “học tụt lùi” nói trên hay những trường hợp hướng nghiệp học nghề ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, cơ hội nghề nghiệp sẽ cao hơn?

Cử nhân Tây Bắc thất nghiệp: Chọn sai, học lại hay thất nghiệp? - 2

Nguyễn Tài Thu - người ngồi bên phải - học hai trường đại học rồi quay lại học nghề điện.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Lào Cai, một thực trạng cần phải ghi nhận là nhu cầu sử dụng lao động tại Lào Cai hiện nay chủ yếu tập trung vào những người qua đào tạo nghề chứ không phải qua đào tạo tại các trường chuyên nghiệp.

Minh chứng cụ thể nhất là trong giai đoạn 2011 – 2015 vừa qua, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề trên toàn tỉnh đạt 97%. Bên cạnh 65 nghìn trường hợp sau đào tạo nghề đã tìm được việc làm thì chỉ còn khoảng 2 nghìn trường hợp tạm thời chưa tìm được việc, thấp hơn nhiều so với con số 6 nghìn sinh viên của tỉnh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, thậm chí sau đại học đang không có việc làm.

“Học nghề không giống như học chuyên nghiệp, học chuyên nghiệp là cứ phải xem xem ngồi ở vị trí phòng nọ phòng kia, sở này sở khác. Thế nhưng học nghề, ngoài việc làm ở nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ ra thì người ta có thể mở một cửa hàng ở nhà, vay vốn ngân hàng mở mô hình kinh tế hộ để phát triển sản xuất là có việc làm rồi. Rất nhiều em trong quá trình học sẽ thể hiện được năng lực của mình nên ngay từ khi tốt nghiệp ra trường chúng tôi đã có thể đánh giá được có bao nhiêu em được đi làm luôn rồi”.

Trước đây, tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp chỉ ở miền xuôi, nay vùng cao cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Một tỉnh nhỏ, như Yên Bái tính sơ sơ cũng có hàng nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp. Trình độ của sinh viên vùng cao thường không so sánh được với sinh viên miền xuôi nên việc ở lại thành phố lớn cạnh tranh với hàng vạn cử nhân thất nghiệp khác để mưu sinh đối với các em là không khả thi. Quay lại quê hương thì các huyện, các xã đều đã đủ biên chế. Các trường học cũng không còn nhiều chỗ cho thầy cô giáo mới. Giải quyết việc làm cho các em hiện giờ thực sự là bài toán khó cho các địa phương.

Ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết: “Huyện có khoảng hơn 200 em sinh viên ra trường không bố trí được việc. Đây cũng là bài toàn khó của huyện. Bây giờ đang tính đến mấy vấn đề, một là có một nhà máy may gần đây, huyện làm việc để đưa một số sinh viên thất nghiệp về làm công nhân. Huyện cũng đã làm việc với các danh nghiệp thủy điện trên địa bàn, những ngành nghề phù có thể đáp ứng được thì họ sẵn sàng tiếp nhận. Thứ 3 thì gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ hình thành các tổ hợp tác theo kiểu dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, các tổ hợp ấy có lẽ phải dùng lực lượng này”.

Biết về đâu? Đó là câu hỏi đầy hoang mang của các cử nhân vùng cao đang thất nghiệp. Chờ đợi các cấp, các ngành thì không biết đến bao giờ, nhiều em đã quay trở lại với nương rẫy, quay lại nơi những năm trước các em quyết tâm ra đi để tìm ước mơ đổi thay số phận. "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", rồi đây, chỉ không lâu nữa, kiến thức và có thể cả những con chữ sẽ lại rơi đi theo những giọt mồ hôi mặn chát. Nhìn các anh, chị mình thất bại trong nỗ lực học tập, sẽ có bao cô cậu học trò vùng cao thối chí?

Ông Hoàng Đức Minh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: Theo thống kê của ngành, 3 năm trở lại đây, địa phương đã có hơn 2.600 học sinh thi đỗ và xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học ở các hệ chính quy, cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ.

Hiện nay, ngành chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường, tuy nhiên với số lượng tuyển dụng vào các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương hàng năm thì con số đó là rất ít. Trước thực trạng này, Sở cũng đã chỉ đạo đối với các trường định hướng nghề cho học sinh trước khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Sở cũng đã có chỉ đạo cho các trường tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh để đi theo hướng con em mình chỉ nên học để lấy tốt nghiệp, sau đó sẽ đi học nghề. Ở trên Lai Châu có xuất khẩu lao động, đi theo đường chính thống mà chỉ cần tốt nghiệp thôi. Vừa rồi có những trường trung cấp, cao đẳng nghề ở dưới xuôi họ lên họ tư vấn tại trường luôn. Và, chúng tôi đã chỉ đạo những trường nào họ tư vấn, mời họ vào họ nói với học sinh, rồi trên cơ sở đó phụ huynh cho học sinh đi học, để một vài năm học nghề ra có việc làm luôn”, ông Minh nói.

Chưa tính đến nhiều sinh viên trong hè này ra trường sẽ không có việc làm thì hàng chục nghìn sinh viên ở Tây Bắc đang thất nghiệp là lời cảnh báo cho các em chọn trường, ngành nghề đào tạo để theo học, cũng như cung cách đào tạo của các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp như hiện nay.

Đây cũng chính là vấn đề đặt ra đối với các tỉnh Tây Bắc cần phải giải quyết. Đó là bài toán muốn hạn chế lãng phí nguồn nhân lực, tài chính thì nhất thiết phải làm tốt công tác dự báo thị trường lao động, việc làm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, không làm thầy thì học làm thợ cũng tốt cho bản thân và xã hội. Tránh tình trạng kéo dài thời gian chờ việc khiến các em ra trường rồi “chữ thầy trả thầy”.

Và điều đáng lo ngại là các em thất nghiệp không có thu nhập đã “biến” gia đình trở thành “con nợ” khó đòi của các ngân hàng. Các tỉnh Tây Bắc có giải pháp nào cho tình trạng này. Chúng tôi đề cập trong bài sau.

Theo VOV.VN