Lời giải cho bài toán cử nhân thất nghiệp
Từ khi còn manh nha tới nay, sau gần 10 năm, chương trình đào tạo đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng đã trở thành giải pháp hữu hiệu cho vấn nạn cử nhân “ôm bằng” thất nghiệp.
Hết thời đào tạo theo sách vở
Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, chưa bao giờ Việt Nam lại rơi vào cuộc khủng hoàng thừa... bằng cấp trầm trọng như giai đoạn hiện nay. Điều đáng nói là trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước có xu hướng giảm thì tỷ lệ thất nghiệp ở trình độ từ cử nhân trở lên lại gia tăng. Chỉ 3 tháng đầu năm 2016, Bộ LĐ,TB&XH đã thống kê được con số thất nghiệp “có bằng” lên tới 225.000 người.
Theo ông Nguyễn Minh Hải, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư, con số này phản ánh thực trạng chất lượng sinh viên được đào tạo thấp, không đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Đó là hệ quả của 1 thời gian dài chất lượng đào tạo đại học bị lạc lối: “Rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan than phiền rằng, họ phải mất quá nhiều công sức để đào tạo lại. Thời gian để cử nhân thạo việc phải mất từ 1- 2 năm”, ông Hải nói.
Thừa nhận thực tế này, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đã hết thời các trường chỉ biết dạy những gì mình có, chủ yếu là những vấn đề lý thuyết, hàn lâm; Khảo cứu tài liệu để xây dựng chương trình, đánh giá người học chủ yếu thông qua khả năng tiếp thu kiến thức từ sách vở...: “Những vấn đề trước đây được coi là những khái niệm “xa xỉ” như khảo sát thị trường lao động để phát triển chương trình đào tạo, xác định chuẩn đầu ra, chuẩn năng lực người học... thì bây giờ các trường phải nghĩ đến và thực hiện một cách nghiêm túc”, bà Phụng cho biết.
Đó cũng là 1 trong những lý do mà chương trình đào tạo đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (đào tạo ứng dụng - PV) bắt đầu được “manh nha” tại một số trường ĐH từ cách đây 10 năm và hiện đã bắt đầu cho những “quả ngọt” đầu tiên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, điểm nhấn của chương trình đào tạo này là đặt lên hàng đầu tiêu chí: Đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, các trường ĐH sẽ phối hợp với doanh nghiệp từ A - Z: Từ việc thiết lập chương trình đào tạo phù hợp, đánh giá kết quả học tập theo chuẩn năng lực người học và theo yêu cầu của thị trường lao động; Đo sự thành công của đào tạo bằng tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành sau tốt nghiệp... Với mô hình đào tạo “khép kín” và chuẩn yêu cầu này, doanh nghiệp sẽ trở thành nơi “tiêu thụ” sản phẩm... cử nhân cho trường ĐH - nơi mà mình liên kết trong suốt 4 năm đào tạo.
Trên 80% sinh viên ra trường có việc
Nguyễn Tiến Đạt, cựu sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên là một trong những “sản phẩm” đầu tiên của chương trình đào tạo này. Ngay sau khi ra trường 3 tháng, anh đã tìm được công việc ổn định với mức lương khá. Đạt cho biết: “Ngay từ năm thứ nhất, trong khi sinh viên các trường khác còn đang phải học môn đại cương thì các thày đã đưa cho tôi 1 cái bo mạch điện tử và bắt tôi phải hàn. Tôi còn nhớ cái bo mạch đầu tiên tôi làm được rất xấu, nhưng điều đó đã thôi thúc tôi đam mê nghề nghiệp mà mình đã chọn”.
Đó cũng là cách mà hơn 16.000 sinh viên của 8 trường Đại học: Nông lâm Huế, Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Sư phạm Thái Nguyên, Nông lâm Thái Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Vinh được dạy trong suốt 4 năm trên giảng đường.
Tại ĐH Nông lâm Thái Nguyên, sau khi điều tra nhu cầu thị trường lao động, ngành Chăn nuôi đã được cắt giảm 10 tín chỉ cơ bản và tăng 5 tín chỉ kiến thức chuyên ngành, tăng 3 tín chỉ thực tập nghề nghiệp. Ngoài ra, những môn “lạ” có vẻ chẳng liên quan gì đến chăn nuôi cũng được bổ sung vào chương trình dạy một cách rất hợp lý là: Môn Marketing, Kinh tế trang trại, Quản trị nhân sự, Chiến lược kinh doanh và cả… Kỹ năng giao tiếp.
Kết quả là tỷ lệ sinh viên tìm được việc sau khi tốt nghiệp dưới ba tháng ở tất cả các trường thực hiện đào tạo ứng dụng đều đạt trên 55%, thậm chí có trường lên đến gần 83%, sau 6 tháng, con số này lên 80-90%. Khoa Chăn nuôi thú y của trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên đã ghi nhận con số “kỷ lục” 95% sinh viên của khoa có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ra trường với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng. Đây vẫn được coi là ngành không hấp dẫn người học về đầu vào và khó khăn trong tìm kiếm việc làm cho sinh viên ra trường những năm trước...
Thấy được “lối thoát” cho tình trạng cử nhân thất nghiệp từ chương trình đào tạo đại học ứng dụng, nhiều trường ĐH dân lập cũng đã bắt đầu nghiên cứu đưa vào áp dụng. Đây được coi là “liều thuốc” sống còn cho các trường ĐH trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt bằng uy tín.
TS. Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc điều hành trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho biết, từ năm học 2016 - 2017, ĐH Nguyễn Trãi sẽ bắt đầu áp dụng việc đào tạo ứng dụng bằng cách thay đổi cơ cấu chương trình. Cụ thể, 70% thời lượng học thực tế tại các doanh nghiệp, chỉ còn 30% thời gian dành cho học lý thuyết ứng dụng tại trường.
Tới thời điểm này, trường đã liên kết với hơn 300 doanh nghiệp phân theo từng khối, ngành từ kinh tế, du lịch, kế toán, quản trị kinh doanh, mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc... tổ chức đào tạo theo mô hình doanh nghiệp, dưới sự hướng dẫn của các nhân viên. Sinh viên sẽ được trang bị các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề, ngoại ngữ... Thay bằng 1 năm 2 học kỳ, sinh viên sẽ có 1 năm học liên tiếp 3 học kỳ, không có nghỉ hè.
Theo Báo Giao thông