Cử nhân không viết nổi đơn xin việc, vì sao?
Những kỹ năng tưởng như rất đơn giản, chẳng hạn như thảo một cái đơn hay công văn, nhưng nhiều kỹ sư, cử nhân mới ra trường vẫn rất yếu. Trước thực trạng này các trường đại học (ĐH) đang tìm các giải pháp để hỗ trợ sinh viên, giúp sinh viên thích ứng nhanh hơn với thị trường lao động.
Không viết nổi cái đơn
Tại hội thảo khoa học quốc gia đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm do trường ĐH Thương mại tổ chức hôm qua, vấn đề việc làm cho sinh viên được đưa ra bàn luận và tìm hướng giải quyết. Việc làm của sinh viên ra trường là vấn đề sống còn đối với các trường ĐH khi thực hiện tự chủ. Bởi sinh viên có việc làm thì mới thu hút được người học, thu hút được người học thì trường mới có kinh phí để tồn tại.
Theo ThS. Nguyễn Duy Đạt, trường ĐH Thương mại, một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy kỹ năng và khả năng sẵn sàng của người lao động là mối quan tâm lớn đối với người sử dụng lao động. Phần lớn người sử dụng lao động cho rằng, việc tuyển dụng lao động là một thách thức vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp.
“Cá nhân tôi có hay phỏng vấn các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng, họ cho biết : Những kỹ năng tưởng như rất đơn giản chỉ cần đạt ở mức độ vừa phải thì sinh viên của chúng ta lại rất yếu, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng viết văn bản, kỹ năng quản lý thời gian... Có sinh viên không thể viết được một cái đơn theo yêu cầu. Đây là điều rất đáng lo ngại” – ông Đạt khẳng định.
Trong khi đó, ông Đạt cho hay, nhiều sinh viên cũng đã nắm bắt được nhu cầu của nhà tuyển dụng, họ tự tìm kiếm các trung tâm đào tạo kỹ năng ở bên ngoài để học tập. “Nếu các trường làm tốt được công việc này thì sẽ rất tốt cho sinh viên” – ông Đạt cho hay.
Ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ địa phương, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, là đơn vị sử dụng lao động nhưng thấy sinh viên các trường đào tạo ra na ná giống nhau, không có bản sắc riêng của mỗi trường. “Ví dụ cùng đào tạo kinh tế, thì ĐH Thương mại sinh viên học xong phải có yếu tố nào đó mà ĐH Ngoại thương không có, hoặc ngược lại. Có như thế mới biết từng trường đang đứng ở đâu” – ông Bình chia sẻ.
Đề xuất đi thực tập từ năm thứ 2
Sinh viên thiếu kỹ năng đang là thách thức đối với các trường ĐH hiện nay. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết, năm 2010 trường đã làm một cuộc khảo sát với các doanh nghiệp, kết quả cho thấy kiến thức cơ bản của sinh viên ĐH Ngoại thương tốt nhưng kỹ năng chưa tốt. Chính vì vậy, sau đợt khảo sát, trường chính thức đưa môn học phát triển kỹ năng vào giảng dạy cho sinh viên.
Tùy theo ngành, khoa mà môn học này là môn học tự chọn, hay là môn học bắt buộc. Trường cũng thành lập CLB phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên. Sinh viên ĐH Ngoại thương cũng có hai đợt thực tập. Trong đó, có đợt kiến tập 5 tuần vào cuối năm thứ 3 để giúp sinh viên làm quen với môi trường doanh nghiệp.
Một khảo sát nhanh tại 5 trường của ThS. Nguyễn Duy Đạt, gồm trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thương mại, ĐH Vinh và ĐH Kinh tế TPHCM cho thấy mới chỉ có trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị đang đi đầu trong công tác đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Các trường ĐH còn lại vẫn chưa chú trọng đào tạo các kỹ năng cho sinh viên.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Loan, Phó hiệu trưởng ĐH Thương mại cho rằng, trường đã xây dựng hai học phần là Ngoại ngữ và Công nghệ thông tin theo hướng phát triển kỹ năng cho sinh viên. Tuy nhiên, theo đánh giá thì đây mới chỉ là môn học phát triển kỹ năng thuần túy. Các kỹ năng khác được lồng ghép vào các hoạt động cụ thể, hoặc các hoạt động thảo luận cũng như các hoạt động đào tạo khác trong khuôn khổ nhà trường.
Theo đề xuất của ông Nguyễn Duy Đạt, để giải quyết vấn đề này, các trường cần gắn kết với nhu cầu kỹ năng của thị trường lao động. Trong đó, quan trọng nhất là tăng cường sự phối hợp và quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp với các trường ĐH sẽ giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt thông tin.
Đồng thời, ông Đạt cũng đề xuất cần đưa hoạt động kiến tập tại doanh nghiệp hàng năm vào chương trình đào tạo chính thức. “Không cần phải đợi đến năm cuối. Mà từ năm thứ 2, thứ 3 sinh viên đã phải đi kiến tập tại các doanh nghiệp” – ông Đạt nói.
Theo ông Vũ Trọng Bình, sinh viên Việt Nam thực tập 3 tháng là quá ít. “Thời gian ngắn, sinh viên lao vào công việc thì ít, đầu óc thì lười. Vì sao doanh nghiệp nước ngoài họ làm được chuyện là tạo môi trường làm việc cho sinh viên? Vì họ xây dựng được vị trí việc làm thực sự. Sinh viên đến thực tập như đi làm, được trả lương. Còn doanh nghiệp của chúng ta nhận sinh viên đến thực tập nhiều khi vì nể” – ông Bình khẳng định.
Ông Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng việc nâng cao kỹ năng cho sinh viên gắn với bài toán kinh phí. Vì phải tăng thời gian thực hành thực tập. Đây cũng là bài toán đặt ra đối với các trường khi thực hiện tự chủ.
Bà Lê Ngọc Châu, giám đốc truyền thông tập đoàn Hoa Sao cho biết: Mỗi năm, Hoa Sao thường tuyển từ 700 đến 1000 nhân sự. Đó chưa kể số lượng nhân sự cần tuyển cho các công ty đối tác. Hoa Sao cũng tuyển từ sinh viên năm cuối đến sinh viên đã tốt nghiệp. Nhưng kỹ năng mềm của ứng viên tuyển dụng gần như bằng không, rất thiếu hoặc rất ngây ngô. Nhiều ứng viên không thể hoàn thành một báo cáo bằng văn bản đơn giản. Những kỹ năng mềm khác mà ứng viên thiếu đó là kỹ năng giao tiếp ở môi trường công sở, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng chăm sóc khách hàng. Cũng theo bà Châu, các ứng viên khi được tuyển dụng, tập đoàn thường phải đào tạo bổ sung.
Theo Báo Tiền Phong