1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Công ty tư nhân trả lương tháng hơn 216 triệu đồng

(Dân trí) - Năm 2009, mức tiền lương tháng trả người lao động cao nhất đạt 216,2 triệu đồng và thấp nhất là 650.000 đồng, thuộc khối doanh nghiệp dân doanh. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có mặt bằng lương hấp dẫn nhất trên toàn quốc.

Bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Lao động và Tiền lương - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nhận định: Năm 2009, Việt Nam đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế và duy trì  mức tăng trưởng hợp lý. Theo đó, việc làm và thu nhập của người lao động cũng giữ được ổn định.
Công ty tư nhân trả lương tháng hơn 216 triệu đồng - 1
Lương bình quân của người lao động tăng 10,8% so với năm ngoái. (Ảnh minh họa)
 
Cụ thể, tiền lương bình quân của người lao động (NLĐ) trong năm 2009 tại các doanh nghiệp (DN) ước đạt 2,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,8% so với năm trước. Trong đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 2,6 triệu đồng, tăng 6,1%; Khối dân doanh là 2 triệu đồng/ người/tháng, tăng 10,81%. Khối DN nhà nước lương trung bình ước đạt trên 3,3 triệu đồng, tăng 7,7%. Tuy nhiên, ở khu vực các công ty mẹ thuộc Tập đoàn kinh tế Nhà nước lương trung bình ước đạt 5,9 triệu đồng/người/tháng, gần gấp 2,5 lần so với các loại hình kinh tế còn lại.

Tuy nhiên, theo bà Minh tiền lương cao nhất của NLĐ (thuộc chức danh quản lý) thuộc doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt mức 40,5 triệu đồng/tháng, trong khi khối dân doanh là hơn 216 triệu đồng/tháng và khối FDI là 208 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, năm nay, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có mức lương hấp dẫn nhất, với mức bình quân 4,3 triệu đồng/người/tháng, bỏ xa Hà Nội là 2,5 triệu đồng/người/tháng. TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai về mức lương hấp dẫn, đạt mức bình quân lương 3,5 triệu đồng/người/tháng.

“Tiền lương thấp nhất thuộc các doanh nghiệp do địa phương quản lý và doanh nghiệp dân doanh là 650 nghìn đồng/tháng/người/tháng. 10 tỉnh có có mức lương thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng IV do Chính phủ quy định (920 nghìn đồng/người/tháng) là Bắc Kạn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Gia Lai và Tây Ninh” - bà Minh thông báo.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm nay số cuộc đình công liên quan đến việc làm và tiền lương trên toàn quốc đã giảm đến 70%. Thống kê cho thấy đình công diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Nguyên nhân chủ yếu do chủ DN (chủ yếu ngành da giày, dệt may) tăng ca làm thêm giờ vượt quy định nhưng lại nợ lương, chậm lương, không tăng lương hàng năm như đã thoả thuận.

Thanh Trầm