Nghệ An:
Công ty CP dệt may phớt lờ quyền lợi hợp pháp của người lao động?
(Dân trí) - Như báo Dân trí đã có bài phản ánh “Gần 100 công nhân nhà máy dệt bãi công” vì bị tăng ca, thêm giờ làm... một cách tùy tiện. Khi các công nhân muốn được chấm dứt hợp đồng nhưng Công ty lại không cho.
Nhận được đơn của 11 công nhân Công ty CP dệt may Nghệ An có địa chỉ tại Khu công nghiệp bắc Vinh, nay đóng tại số 46 đường Phượng Hoàng Trung Đô, TP Vinh (từ đây gọi tắt là Công ty dệt may) phản ánh tình trạng tăng ca, thêm giờ trong bối cảnh thu nhập quá thấp ở Công ty dệt may Nghệ An một cách tuỳ tiện. Khi công nhân vì lý do sức khoẻ hoặc hoàn cảnh gia đình muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì Công ty không cho, khi công nhân đã nghỉ thì cố tình trốn tránh, không chấp hành đầy đủ quy định về chi trả chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động. Thông qua phản ánh, công dân còn hỏi một số chế độ liên quan đến quyền lợi người lao động theo quy định của pháp luật…
Theo đơn trình bày, các lao động đã được ký kết hợp đồng lao động của Công ty dệt may Nghệ An và đã được đóng BHXH, người nhiều nhất là chị Bùi Thị Hải có thời gian 20 năm 4 tháng công tác, chị Nguyễn Anh Vân 15 năm, Nguyễn Thị Chiên 14 năm, 7 người khác có thời gian công tác trung bình từ 10- 12 năm, người có thời gian công tác ít nhất là chị Nguyễn Thị Nhàn 7 năm.
Tất cả lao động trên có điểm chung một lý do là sau một thời gian công tác cho Công ty dệt may, người vì điều kiện sức khoẻ, điều kiện gia đình không đảm bảo nên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; người vì thời giờ làm việc quá căng thẳng, thu nhập không đảm bảo nên muốn chấm dứt hợp đồng lao động và xin hưởng chế độ thôi việc.
Đối với các trường hợp trên, nếu người lao động làm đầy đủ thủ tục thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định tại điều 37 Bộ luật lao động thì người lao động làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc nửa tháng lương, cộng phụ cấp lương nếu có (điều 42 Bộ luật lao động).
Trên thực tế, sau khi làm đơn báo cho lãnh đạo Công ty, các lao động trên đã nghỉ việc từ năm 2005, từ đó đến nay liên tục đòi Công ty chi trả chế độ trợ cấp thôi việc nhưng Công ty trốn tranh chưa chi trả. Vì vậy, nguyện vọng của số lao động này là nếu vì điều kiện hiện tại Công ty chưa chi trả được thì Ban giám đốc Công ty phải có một lời hứa cam kết, đảm bảo khi nào sẽ chi trả?
Theo BHXH tỉnh Nghệ An, đối với trường hợp trên vì Công ty dệt may chưa chốt sổ BHXH cho người lao động để chuyển cho cơ quan bảo hiểm giải quyết cơ quan này chưa có cơ sở để giải quyết. Về chế độ trợ cấp thôi việc thì đơn vị sử dụng lao động là Công ty dệt may phải có trách nhiệm chính để chi trả. Tuy nhiên, Công ty không nhưng không chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động nhưng khi người lao động nuôi con nhỏ như chị Bùi Thị Hải, có thời gian công tác 20 năm, muốn nghỉ việc đóng BHXH nhưng Công ty cũng không cho.
Khi công nhân chất vấn thì câu trả lời trên được "đá qua đá lại" giữa Giám đốc, Phó giám đốc cho đến Trưởng phòng tổ chức. Thậm chí, lần gặp gần đây nhất, khi công nhân hỏi, giám đốc trả lời là Công ty đang gặp khó khăn, nợ nhiều nên chưa có kinh phí, chờ đến khi đủ tuổi về hưu sẽ chi trả luôn thì người lao động hết nước, đành phải cầu cứu đến cơ quan chức năng.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết: bên cạnh đó ngoài tình trạng khó khăn có thật tại Công ty CP dệt may Nghệ An thì tăng ca, thêm giờ làm thường xuyên là phổ biến ở doanh nghiệp dệt may, vấn đề là chế độ tiền lương tiền công quá thấp và không đảm bảo cuộc sống. Không những vậy, vì lý do khó khăn thiếu kinh phí nên các lao động nói chung và lao động nữ nói riêng nữ theo quy định khi có đủ điều kiện thì được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ nhưng doanh nghiệp này vẫn cho hưởng hoặc rất hạn chế.
Cuối cùng là liên quan đến tình trạng nhùng nhằng trong giải quyết quyền lợi người lao động thôi việc tại Công ty dệt may hiện nay còn có một lý do là cơ sở vật chất của Công ty dệt may tại Khu Công nghiệp Bắc Vinh được sang nhượng cho Công ty may Kim Anh; Công ty dệt may lại chuyển về địa chỉ số 46 Phượng Hoàng Trung Đô, TP Vinh như đã nói ở trên. Theo quy định của Bộ luật lao động đơn vị mới có trách nhiệm tiếp quản, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong đó có việc sử dụng tối đa số lao động cũ nhưng Công ty may Minh Ánh không tiếp nhận giải quyết và bàn giao lại cho Công ty dệt may.
Thông qua sự việc này, chúng tôi kiến nghị ngành chức năng cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, làm rõ nguyên nhân thực chất việc vi phạm các quyền lợi tối thiểu của người lao động tại Công ty dệt may Nghệ An. Không thể lấy lý do khó khăn, thiếu kinh phí mà phớt lờ, bỏ qua quyền lợi của người lao động.
Bài, ảnh: Nguyễn Hải - Nguyễn Phê