Công nhân với cuộc sống “thiếu trước, hụt sau”

Với đồng lương ít ỏi, trong khi rất nhiều thứ phải chi tiêu, nhất là khi đã có gia đình, nhiều công nhân (CN) KCN luôn rơi vào tình trạng “thiếu trước, hụt sau”, thậm chí còn rơi vào tình cảnh nợ nần. Đó là chưa kể khi họ bị bệnh tật, tai nạn,… tình trạng còn khó khăn gấp bội.

Với đồng lương ít ỏi, trong khi rất nhiều thứ phải chi tiêu, nhất là khi đã có gia đình, nhiều công nhân (CN) KCN luôn rơi vào tình trạng “thiếu trước, hụt sau”, thậm chí còn rơi vào tình cảnh nợ nần. Đó là chưa kể khi họ bị bệnh tật, tai nạn,… tình trạng còn khó khăn gấp bội.

Vừa nhận lương đã phải trả nợ

Chị Đỗ Thanh H (CN KCN Thụy Vân, tỉnh Phú Thọ) có hoàn cảnh hết sức khó khăn, éo le. Chồng chị mất đã lâu, để lại cho chị hai con nhỏ, một cháu năm nay 7 tuổi, cháu còn lại 4 tuổi. Cả gia đình trông chờ vào thu nhập ít ỏi của chị: Chỉ được khoảng 4,5-5 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, mặc dù đã dè sẻn hết mức có thể, đến mua cái dép cho con cũng phải cân nhắc, chị vẫn thường rơi vào cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Việc phải đi vay tiền đối với chị diễn ra thường xuyên.

Công nhân với cuộc sống “thiếu trước, hụt sau” - 1

Mặc dù phải chi tiêu dè sẻn, nhưng với cuộc sống đắt đỏ nơi đất khách, nhiều CN luôn phải vay mượn để có tiền chi tiêu rồi đợi khi có lương trả. Ảnh: QUẾ CHI
 

“Thường trước kỳ lĩnh lương là cả nhà đã… hết tiền, phải vay một vài trăm từ người thân, bạn bè để “cầm cự” qua ngày, chờ đến hôm lĩnh lương rồi trả lại người ta. Có khi vừa nhận lương, tôi đã hết tiền vì phải chi các khoản sinh hoạt và trả nợ” - chị cười buồn cho biết.

Chị nói thêm, có những dịp nhiều hiếu hỉ, hay con cái bị ốm đau, chị phải mượn nhiều hơn, lên đến 1-2 triệu đồng. Những lần như vậy, phải mất vài tháng chị mới trả hết số tiền này, bởi mỗi lần lĩnh lương, cố gắng lắm chị cũng chỉ để ra được một vài trăm trả cho các khoản nợ. Cũng có khi người cho chị mượn có việc cần tiền gấp, chị lại phải vay của người khác để trả cho người ta.

“Nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với những dịp khai giảng năm học của hai con. Đây là thời điểm phải tập trung đóng góp các khoản cùng một lúc, nên cần rất nhiều tiền. Như đầu năm học vừa rồi, cả hai cháu phải nộp tổng cộng là 10 triệu đồng. Đấy là con số nhỏ đối với nhiều người, nhưng với tôi, một mình nuôi con, lại luôn trong cảnh thiếu thốn, thì đó là một số tiền rất lớn. Tôi nhớ, đợt đấy tôi phải chạy vạy mượn người thân, bạn bè số tiền lên tới 6-7 triệu đồng. Đến giờ, tôi vẫn chưa trả hết số tiền này” - chị kể lại.

Nhiều công nhân luôn trong tình trạng vay nợ

Trường hợp của chị H là trong điều kiện bình thường, còn nếu bản thân họ hoặc người thân ốm đau, hoạn nạn thì hoàn cảnh còn bi đát hơn, nhiều khi phải vay ngân hàng hoặc vay ngoài với số tiền lớn. Cuối năm vừa qua, trong một dịp đi công tác, tôi được gặp chị Hà Thị Th (SN 1992, CN Cty may Hà Phong, Huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang).

Chị Th có hoàn cảnh khá éo le. Chị có 3 người con; chồng chị không may bị mắc bệnh, nên gánh nặng kinh tế dồn lên đôi vai nhỏ bé của chị. Với mức thu nhập 6-6,5 triệu đồng/tháng mà nhiều khoản phải chi, trong đó có tiền thuốc thang cho chồng, nên cuộc sống của chị vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Để có tiền điều trị cho chồng, chị đã phải vay 80 triệu đồng.

Hằng tháng, chị đang phải trả 600.000 đồng tiền lãi. Chị vẫn chưa biết đến bao giờ mới trả được số tiền mà đối với chị là rất lớn này. Đó là gánh nặng khiến chị luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng.

Theo một nghiên cứu gần đây của Viện CN&CĐ và tổ chức Oxfam về cuộc sống của CN may ở Việt Nam mang tên “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy”, vì lương không đủ sống, CN buộc phải vay mượn từ bạn bè trong chuyền hay những công nhân khác ở cùng khu nhà trọ.

Họ vay để chi tiêu hằng ngày; khi ốm đau để chi phí khám-chữa bệnh và thuốc men; hoặc để trả chi phí học hành cho con cái. Họ vay gối nhau, vay tháng này trả tháng sau. Tình trạng vay khá phổ biến đối với CN may mà nhóm khảo sát gặp. 37% số CN được phỏng vấn cho biết họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm để bù lấp thiếu hụt chi tiêu trong tháng.

Theo Quế Chi/Báo Lao động