Công nhân "tuồn" sản phẩm ra ngoài, doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm triệu
(Dân trí) - Công nhân một doanh nghiệp ở phía Nam đã lấy sản phẩm công ty bán ra ngoài thị trường, ảnh hưởng đến uy tín của công ty.
Đó là chia sẻ thẳng thắn của ông Mai Thiên Ân, Trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (TPHCM) tại diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024" diễn ra sáng 26/5. Người lao động không tuân thủ kiểm soát trong quá trình làm việc là một vấn đề đặt ra khi đề cập thực tế năng suất lao động vẫn chậm cải thiện.
Cụ thể, ông Ân nêu, thực tế vẫn còn nhiều người lao động, đặc biệt là anh chị em công nhân, chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu.
Qua thực tế lao động tại doanh nghiệp, ông Mai Thiên Ân nhận thấy vẫn còn trường hợp không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động gây ra các chấn thương, thậm chí tử vong.
Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024" diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang...
Trong khuôn khổ diễn đàn có nội dung các lãnh đạo đối thoại với công nhân lao động.
Bên cạnh đó, không ít công nhân, lao động không tuân thủ nội quy, giờ giấc, tác phong làm việc như đi trễ, về sớm, nghỉ giải lao không đúng thời gian quy định.
"Họ có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi quay ra ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc; nghỉ phép không có lý do chính đáng; phối hợp trong công việc kém; làm việc nhóm không hiệu quả", Trưởng phòng sản xuất công ty Intel chỉ rõ.
Ông Ân còn cho biết những trường hợp lao động không tuân thủ quy định kiểm soát. Điều này thể hiện qua việc họ tuồn sản phẩm công ty để bán ra ngoài thị trường, như trường hợp một doanh nghiệp ở phía Nam.
Việc này đã gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, ảnh hưởng uy tín công ty, thậm chí ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đến văn hóa và con người Việt Nam.
"Không tuân thủ quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm lỗi, ảnh hưởng tới chất lượng, đến thương hiệu doanh nghiệp và lòng tin của đối tác", ông Ân đau đáu.
Tại diễn đàn, Trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam kiến nghị có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động từ sớm để trở thành "thói quen, nếp nghĩ, nếp làm" khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ông cũng đề nghị xem xét định hướng ở các cấp bậc phù hợp, ví dụ như học cơ bản từ cấp trung học phổ thông cho đối tượng lao động phổ thông, học nâng cao cho các cấp bậc trung cấp, cao đẳng, đại học và xem xét nội dung học phù hợp với ngành nghề họ đang theo học. Bởi, mỗi nghề nghiệp khác nhau cũng cần có tác phong công nghiệp khác nhau.
Ông Ân cũng đề xuất quy chế tài chính cho phép công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong việc đầu tư, chi tiêu cho các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, khen thưởng về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.
Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024" là cơ hội để các cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân lao động phát huy vai trò và trách nhiệm trong đề xuất, kiến nghị, hiến kế các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Diễn đàn cũng là dịp để cán bộ công đoàn, công chức, viên chức, công nhân lao động cùng các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân, điểm nghẽn của năng suất lao động và đề xuất, kiến nghị các giải pháp, trong đó có giải pháp phát huy vai trò của người lao động trong nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Theo thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022).
Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện. Cụ thể, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6% so với năm 2022.