Công nhân nữ còn quá nhiều vất vả!
Lao động nữ ở các ngành nghề trong ngành giày da, may mặc, chế biến thủy hải sản... thường làm việc đạt năng suất, chất lượng ở tuổi từ 25-35 tuổi, sau đó bị chủ doanh nghiệp loại dần hoặc chính họ phải từ bỏ công việc vì không đủ sức khỏe.
Nuôi con… mình ên!
Sau 8 tiếng làm việc ở xưởng, chị Ngô Thị Oanh (trọ trên đường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM) ra khỏi công ty vào lúc 17g30. Vừa ra khỏi nhà xưởng, chị tất bật chạy ra chợ tự phát gần công ty mua mớ rau và mấy miếng đậu để nấu cơm chiều cho cả nhà. Chị chạy tới chạy lui mua được 1 lạng thịt bò tươi và hai quả trứng gà để nấu riêng cho con gái.
Xong đâu đó, chị treo đồ đạc lên xe rồi tất tả chạy tới chỗ đón con. Con gái 4 tuổi, chị gửi con ở một nhóm trẻ gia đình. Buổi sáng chị phải dậy từ 4g30, hầm xương, nấu cháo rồi sửa soạn đưa con gái đến nhà trẻ, sau đó mới đến công ty cho kịp giờ.
Chị và chồng ly thân gần năm nay, khi con gái chưa được 3 tuổi. Quê ở Long An, trước đây, chị ở trọ trên thành phố để đi làm, cuối tuần về nhà. Chồng chị ở quê với hai con. Con trai 7 tuổi, đang học lớp 2. Chị bảo, các công ty trên thành phố hầu hết chỉ tuyển lao động nữ, ở quê lại ít việc nên chị quyết định lên thành phố làm công nhân. Chồng chị ở nhà làm ruộng vườn.
Ban đầu thống nhất như vậy và tình hình này duy trì được gần 1 năm, sau đó thì chồng chị sa đà nhậu nhẹt, lơ là việc nhà, con cái. Có lần cuối tuần chị về, các cháu nằm ngủ với bộ áo quần cả tuần chưa thay, mặt mũi lem luốc, chồng thì xỉn, lèm bèm đủ chuyện. Chị nói nhiều lần nhưng chồng không thay đổi. Chị quyết định ly thân, chị mang con về ngoại gửi, rồi mang đứa con 3 tuổi lên thành phố với mình.
Chị bộc bạch: “Biết sẽ rất vất vả khi một thân một mình nuôi con nhưng biết làm sao được. Ở quê để giữ chồng, giữ gia đình thì cả nhà chịu đói, tiền bạc không có. Mình đã chịu cảnh xa con, đau lòng lắm vậy mà chồng không hiểu. Tôi vẫn còn thương chồng nên mới chỉ ly thân, để xem chồng có thay đổi không rồi tính tiếp”.
Không may mắn như các bạn đồng trang lứa, Thu Hiếu (Vĩnh Long) bị tật hai chân sau một trận sốt bại liệt khi Hiếu hơn một tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hiếu nghỉ học sớm. Hiếu bảo, nghỉ học sớm một phần vì tâm lý “lành lặn học xong còn thất nghiệp, bại liệt học làm chi”. 18 tuổi, Hiếu ý thức được rằng, nếu cứ sống vạ vật thế này rồi chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Hiếu quyết tâm rời quê, lên TPHCM kiếm việc khi mẹ Hiếu mất.
Hiếu kể: “Ngày đầu tiên lên Sài Gòn, em như bước đến một thế giới khác. Không có người thân bên cạnh, không có ai hỗ trợ. Tuy nhiên, do trước đó, xác định được việc lên thành phố nên em đã tự tập luyện và tự nghĩ ra mọi tình huống để giải quyết nên sự bỡ ngỡ cũng giảm đi nhiều”.
Khi ở quê, Hiếu có lên mạng tìm hiểu và biết một công ty ở quận Tân Bình chuyên về sản xuất tăm tre, đồ dùng từ tre thuê người khuyết tật vào làm việc. Hiếu đã gọi điện trước, trình bày hoàn cảnh, phía công ty đồng ý phỏng vấn. Hiếu trúng tuyển và làm việc ở công ty này đã được hơn 3 năm.
Cuối năm rồi Hiếu sinh một cô con gái, Hiếu chấp nhận làm mẹ đơn thân. Hiếu bộc bạch: “Khi tôi có con, nhiều người bàn ra tán vào, nhiều người còn mỉa mai tôi “ham vui” hoặc “thân mình lo chưa xong còn đèo bồng”… Nhưng tôi bỏ ngoài tai, đi làm về, nghe tiếng con bi bô, tôi thấy mình hạnh phúc dù cuộc sống có thể sẽ vất vả hơn nhưng trên hết tôi biết mình sống, cố gắng làm việc vì điều gì”.
Nghèo nàn đời sống tinh thần
Riêng trong ngành Dệt May, theo thống kê của Công đoàn (CĐ) Dệt May Việt Nam, Dệt May là ngành nghề có tỷ lệ lao động nữ thuộc nhóm cao nhất trong các ngành kinh tế (trên 70%). Với đặc thù công việc của ngành này NLĐ chỉ làm việc đạt năng suất, chất lượng vào khoảng từ 25-35 tuổi, sau đó năng suất sẽ giảm dần.
Trong khi đó, ở độ tuổi này chị em lại đang gánh vác vai trò rất quan trọng là sinh nở, nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình. Bên cạnh đó nhiều áp lực từ công việc đè nặng lên đôi vai của chị em phụ nữ như mức thu nhập so với sinh hoạt còn thấp, cường độ lao động cao, làm thêm giờ nhiều, đời sống tinh thần còn nghèo nàn, ít phương tiện giải trí… Đa số chị em làm việc xa nhà, xa người thân, thiếu thốn tình cảm, phần đông là ở nhà trọ…
Theo bà Nguyễn Thị Thủy – Phó Chủ tịch CĐ Dệt May Việt Nam, toàn Tập đoàn Dệt May Việt Nam có 80.000 công nhân lao động nữ trong tổng số 130.000 lao động, chính vì đặc thù của ngành có CNLĐ nữ chiếm số lượng lớn cho nên công tác nữ công luôn được lãnh đạo Tập đoàn và CĐ Dệt May Việt Nam chú trọng.
Trong năm 2016, CĐ Dệt May có nhiều chính sách chăm lo cụ thể, sâu sát và mang lại hiệu quả thiết thực cho lao động nữ như: Phối hợp với các doanh nghiệp thường xuyên duy trì chế độ dành riêng cho lao động nữ như gặp mặt, tặng quà, hỗ trợ tiền sữa cho trẻ dưới 15 tháng tuổi, phụ cấp tiền gửi trẻ, phụ cấp cho lao động nữ khi sinh con nhỏ. Tổ chức bữa ăn an toàn chống lại nạn thực phẩm bẩn tràn lan, xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân như nhà trẻ, nhà lưu trú…
Không chỉ là trong việc chăm lo mà cả việc giám sát bảo vệ các quyền lợi “sát sườn” của chị em phụ nữ cũng được CĐ Dệt May chú trọng. Vì vậy, trong năm 2017 này, CĐ Dệt May sẽ tập trung tuyên truyền và tham gia tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật cho lao động nữ như: Nghị định 85/NĐ-CP về lao động nữ; Các chế độ liên quan đến lao động nữ theo luật BHXH; Đề xuất chuyên môn với các tổ chức, ban ngành liên quan trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách về lao động nữ tại các DN có sử dụng nhiều lao động nữ.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, hiện nay, rất nhiều anh chị em nữ công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp không gặp may mắn trong cuộc sống hoặc có nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, ở các chị đều tựu chung là ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ để vươn lên, sống có ích cho gia đình và xã hội. Nhiều chị em không chỉ lo cho bản thân mà còn là chỗ dựa cho gia đình, người thân của mình.
Theo Báo Lao động