Công nhân nhận chế độ thôi việc kiểu "trả góp": Công ty làm trái quy định
(Dân trí) - Theo phân tích của luật sư, Công ty Cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan chi thanh toán chế độ thôi việc cho người lao động bằng cách chia nhỏ từng tháng là trái với quy định của Bộ Luật lao động.
Vừa qua, báo Dân trí có bài viết phản ánh việc 114 công nhân Công ty Cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan (có trụ sở tại thành phố Vinh, Nghệ An) bị cho thôi việc từ 12/1, do thuộc diện dôi dư.
Theo thông báo của chủ doanh nghiệp, các khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động sẽ được chi trả từng tháng, mỗi tháng 1-3 triệu đồng, cho đến khi hết.

Công nhân tập trung trước cổng Công ty Cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan sau buổi đối thoại chiều 20/2 không đi đến thống nhất kết quả giải quyết (Ảnh: Hoàng Lam).
Căn cứ vào thời gian đóng bảo hiểm, người lao động sẽ được nhận từ gần 4 triệu đồng đến 170 triệu đồng. Bởi vậy, đối với nhiều trường hợp, việc bị chia nhỏ số tiền thôi việc nhận theo tháng, là điều khó chấp nhận.
Tại cuộc đối thoại diễn ra chiều 20/2, đại diện người lao động yêu cầu công ty thanh toán đủ 1 lần toàn bộ số tiền thôi việc cho họ.
Trong khi đó, lãnh đạo công ty cho biết, do khó khăn nên vẫn tiếp tục duy trì hình thức trả theo tháng, mỗi tháng 1-3 triệu đồng. Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất phương án nhận lại các công nhân vào làm việc. Tuy nhiên, cả 2 phương án này đều không được đại diện người lao động đồng tình.
Luật sư Nguyễn Thị Anh, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An cho rằng, việc Công ty Cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan ban hành quyết định cho thôi việc đối với người lao động vì lý do kinh tế công ty không thể giải quyết được việc là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại Khoản 1, Điều 34, Bộ Luật lao động năm 2019.
Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động, có biện pháp và nguồn tài chính đảm bảo để thực hiện phương án (quy định tại Điều 43 và Điều 44 Bộ Luật lao động).
"Điều 48 Bộ Luật lao động quy định về trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động: Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp vì lý do kinh tế có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Như vậy, việc Công ty Cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan chi thanh toán chế độ cho người lao động bằng cách chia nhỏ từng tháng là đang trái với quy định của Bộ Luật lao động", luật sư Nguyễn Thị Anh chỉ rõ.

Luật sư Nguyễn Thị Anh (Ảnh: Hoàng Lam).
Theo luật sư Anh, hành vi không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Quy định tại Điều 357 Bộ Luật dân sự năm 2015 cũng nêu rõ, trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
"Khi các bên tranh chấp không thương lượng, hòa giải được với nhau, có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án nhân dân", luật sư Anh nói.
Khoản 2, Điều 12, Nghị định 12/2022/NĐ-CP, quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động (trường hợp từ 101 người đến 300 người lao động).