Bình Dương:
Công nhân may mặc, giày da chật vật xin việc sau dịch Covid-19
(Dân trí) - Hơn 1 tháng từ khi công ty cũ cho ngưng việc, chị Lan vẫn chưa thể tìm được việc mới do rất ít công ty may tuyển người.
Cầm trên tay bộ hồ sơ xin việc, chị Nguyễn Hồng Lan (ngụ tại tỉnh Bình Dương) thấp thỏm chờ đến lượt gọi lên tư vấn tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DV-VL) tỉnh Bình Dương.
Sau giãn cách, chị Lan đã tới Trung tâm 2 lần nhưng vẫn chưa tìm được việc ưng ý.
Trước đây, chị Lan làm việc trong một công ty may mặc xuất khẩu nhưng tháng 4 vừa qua, công ty cho chị nghỉ việc. Ngoài chị Lan, công ty còn cắt giảm hàng trăm nhân sự do không có việc làm.
Thời gian qua, chị chật vật tìm việc khắp nơi nhưng không có, rất ít công ty may tuyển dụng.
"Lúc đầu công ty cho nghỉ cách ngày nhưng sau đó nghỉ nguyên tuần, rồi nghỉ nguyên tháng và giờ thì cho nhân viên nghỉ việc luôn", chị Lan tâm sự.
Chị Lan cũng cho biết có thấy một số ngành nghề kỹ thuật tuyển nhưng chị không có tay nghề vì chị chỉ biết làm may mặc thôi. "Không có việc thì không có tiền nuôi con", chị Lan nói.
Lúc đầu đi xin việc, chị Lan mong muốn mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, bằng với thu nhập từ công ty cũ. Tuy nhiên, sau khi thấy tìm việc lúc này quá khó khăn, chị chỉ mong mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng để đủ nuôi gia đình.
"Nếu lương thấp hơn thì mình không đủ sống. Một mình mình nuôi con nhỏ nên cũng rất tốn kém. Tiền thuê trọ 2 triệu đồng/tháng, tiền sữa cho con cũng gần 2 triệu. Nếu thời gian tới mà khó khăn nữa thì chắc mình phải chuyển nghề", chị Lan trao đổi thêm.
Không riêng chị Lan, mỗi ngày Trung tâm DV-VL tỉnh Bình Dương tiếp nhận hàng trăm công nhân may đến xin việc. Họ hầu hết đều được cho nghỉ làm vì công ty không thể duy trì hoạt động.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thùy (công nhân may tại Bình Dương) cho biết cũng đã đi tìm việc gần 1 tháng qua. Công việc chị mong muốn là tiếp tục làm nghề may quần áo vì chị đã có kinh nghiệm 3 năm. Chị đăng ký thông tin tại Trung tâm DV-VL để chờ được gọi đi làm với mức thu nhập mong muốn khoảng 8-9 triệu đồng/tháng.
Cũng giống như lao động trong lĩnh vực may mặc, các công nhân gia công gỗ cũng bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19. Do là ngành đòi hỏi tay nghề nên các công nhân gỗ thường có mức lương từ 12 - 15 triệu đồng/tháng, nay công nhân chỉ mong mức lương 10 triệu đồng/tháng.
Theo lãnh đạo Trung tâm DV-VL tỉnh Bình Dương, trong tháng 5/2020, nhu cầu xin việc làm tại địa bàn tỉnh tăng cao.
Trong quý I/2020, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 14.133 người, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2019. Lao động có quyết định hỗ trợ học nghề của quý I/2020 là 298 người, chiếm 2,6% so với tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
So với cùng kỳ của năm 2019, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp xong chuyển qua học nghề giảm 53,2%.
Theo Trung tâm DV-VL Bình Dương, hiện tại, các công ty tuyển dụng đang tập trung vào các ngành cần lao động có trình độ như các khối văn phòng, kỹ thuật, lao động có tay nghề.
Những lao động thuộc các ngành nghề may mặc, giầy da, đồ gỗ đang có rất nhiều người ứng tuyển nhưng rất ít công ty tuyển dụng.
Theo báo cáo tại Trung tâm DV-VL tỉnh Bình Dương, quý I/2020 có 1088 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, trong đó tháng 4 có 224 doanh nghiệp tuyển dụng và tháng 5 có 536 doanh nghiệp tuyển dụng.
Trong khi đó, quý I/2019 có 1762 doanh nghiệp, tháng 4/2019 là 1149 doanh nghiệp và tháng 5/2019 là 1134 doanh nghiệp.
Nhu cầu tuyển dụng quý I/2020 là 38.900 người, trong đó tháng 4 là 2.699 người, tháng 5 là 4.689 người. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng trong quý I/2019 là 66.097 người, tháng 4 là 32.867 người và tháng 5 là 40.852 người.
Hiện Trung tâm DV-VL tỉnh Bình Dương đang phối hợp cùng các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn để khảo sát nhu cầu việc làm nhằm hỗ trợ công nhân một cách nhanh nhất.
Việc xét duyệt hồ sơ xin việc tại Trung tâm cũng được triển khai nhanh để người lao động sớm tìm được việc ưng ý.
Hơn 900.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Tới giữa tháng 5/2020, tổng số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại tỉnh Bình Dương là hơn 902.000 người. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp đợt này là 1,3 tỷ đồng, gồm: Khoảng 2.500 người ở địa phương khác nộp hồ sơ đề nghị hưởng và hơn 1.000 hồ sơ không đủ điều kiện. Trong khi đó, số người tạm dừng trợ cấp thất nghiệp là 1.400 người.
Theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, tháng 4/2020, hơn 6.000 người lao động đã đến nhận nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp. Còn trong Quý 1/2020, toàn tỉnh có hơn 20.000 người đến nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.
Xuân Hinh