Bình Định:
Công nhân khốn đốn vì doanh nghiệp nợ lương, BHXH hơn 17 tỷ đồng
(Dân trí) - Công ty CP Đường Bình Định đang bị niêm phong để thi hành án khoản nợ ngân hàng hơn 131 tỷ đồng, hàng trăm công nhân mất việc làm, trong số đó nhiều công nhân đã lớn tuổi nên đi xin việc nơi khác rất khó. Người lao động nơi đây đang mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, đòi lại quyền lợi chính đáng.
Trái ngược với không khí nhộn nhịp của vụ sản xuất đường thời gian này hàng năm, bên trong nhà máy đường của Bisuco bao trùm không khí im lắng lạ thường. Toàn khu nhà xưởng chỉ còn vài nhân viên bảo vệ.
Ở ngoài cổng công ty, một bản quyết định thi hành án dân sự được dán ngay lối ra vào để thông báo khoản nợ 131 tỉ đồng tiền vay ngân hàng. Không còn cảnh người lao động đến tìm việc, thay vào đó là lác đác một số công nhân mất việc đến đòi lương.
Tuy nhiên, người lao động thì mất việc mà lương cũng chưa thấy đâu.
Được biết, đại diện Công đoàn cơ sở Công ty CP Đường Bình Định đã có đơn khởi kiện Công ty CP Đường Bình Định (địa chỉ đóng tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định) hôm 27/4.
Nội dung đơn khởi kiện về việc “Tranh chấp tiền lương, trợ cấp thôi việc, thanh toán nợ bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm” giữa người lao động với công ty này.
Theo đó, người lao động yêu cầu Công ty CP Đường Bình Định phải trả hơn 17 tỷ đồng cho 327 người lao động. Trong đó, thanh toán tiền lương và các phụ cấp cho người lao động từ tháng 7/2018 đến tháng 10/2018 số tiền là hơn 1,4 tỷ động; tiền trợ cấp thôi việc cho 6 công nhân hơn 121 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Công ty còn phải thanh toán nợ bảo hiểm xã hội để đảm bảo các chế độ cho người lao động tính đến tháng 10/2018 là hơn 4,7 tỷ đồng; giải quyết trợ cấp mất việc cho người lao động tại Công ty theo quy định, tổng số tiền là hơn 9,2 tỷ đồng.
Theo ông Trần Văn Đồng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Đường Bình Định, cho biết: Tháng 7/2018, Công ty CP Đường Bình Định có 1 thông báo cho người lao động tạm nghỉ vụ nhưng từ đó đến này nghỉ luôn. Công ty cũng không trả lương, không đóng bảo hiểm… không trả một cái gì cho người lao động.
Do ông chủ nhà máy đường là người nước ngoài và không có ở Việt Nam nên người lao động không biết đòi ai. Công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động làm đơn khởi kiện Công ty để đòi lại quyền lợi cho người lao động.
“Công ty đường thành lập hơn 20 năm rồi, bây giờ công ty đóng cửa vì nợ. Hàng trăm công nhân mất việc làm, trong số đó nhiều công nhân đã lớn tuổi nên đi xin việc nơi khác rất khó. Trong khi đó, công nhân ngành công nghệ đường có đặc thù riêng càng khó xin ngành khác, chỉ một vài công nhân ngành điện còn xin được nơi khác nên công nhân rất bức xúc. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, đòi lại quyền lợi cho người lao động”, ông Đồng nói.
Bản thân ông Đồng cũng bị Công ty nợ hơn 120 triệu đồng tiền lương, BHXH...
Chia sẻ với người lao động, bà Nguyễn Thị Thống - Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Sơn nói: “UBND đã tiến hành hòa giải 2 lần nhưng bất thành vì chủ nhà máy vắng mặt. Quan điểm của huyện là hỗ trợ hết mức đòi lại quyền lợi cho công nhân. Trong tất cả các cuộc họp, các buổi làm việc, huyện đều kiến nghị nếu có phát mãi tài sản thì phải ưu tiên chi trả tiền lương, bảo hiểm cho người lao động”.
Hiện nay, Công ty CP Đường Bình Định đang bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Sơn buộc thi hành án với khoản nợ ngân hàng lên đến 131 tỷ đồng, chưa kể tiền thuế, tiền lương và các khoản khác của người lao động.
Doãn Công