1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Công nhân dễ đình công nếu bị giữ lương trước ngày Tết

(Dân trí) - Năm 2006, cả nước có hơn 60 nghìn công nhân tham gia đình công; năm 2007, con số này là 72 nghìn. Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM nhận định, càng gần Tết, nguy cơ đình công càng tăng cao mà nguyên nhân chủ yếu do chủ sử dụng lao động.

Phía chủ sử dụng lao động thường giữ tiền lương tháng cuối của người lao động với mục đích giữ chân họ, bắt buộc người lao động phải quay lại làm tiếp sau kỳ nghỉ Tết.

Một vi phạm khác khá phổ biến là chủ sử dụng không chịu công bố hoặc công bố chậm tiền thưởng Tết, trong khi bất kể một người làm công ăn lương nào, nhất là đối với bộ phận công nhân, đây là khoản tiền quan trọng để chi tiêu trong ngày Tết.

Bên cạnh đó cũng không thể không kể đến sự thiếu hiểu biết một bộ phận công nhân về các quy định trong Luật Lao động, dẫn dẫn đến đình công tự phát.

Ngoài ra, công tác thanh tra của các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành hoạt động mờ nhạt, không xử lý được sai phạm của doanh nghiệp, khiến công nhân bức xúc và đình công xảy ra là tất yếu.

Tại cuộc Tổng kết công tác năm 2007 và triển khai nhiệm vụ năm 2008 của Bộ LĐ-TB&XH, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh 5 nhiệm vụ chính của Bộ trong năm 2008 là:

- Xây dựng thoả ước lao động tập thể trong tất cả các doanh nghiệp để hạn chế tranh chấp lao động, đình công;

- Phát triển thị trường lao động, sớm hình thành Trung tâm dự báo thị trường lao động;

- Giảm tệ nạn ma tuý;

- Tăng cường công tác XKLĐ, rà soát lại các mô hình, chuẩn bị tốt 3 khâu: tay nghề, tổ chức hướng dẫn, vốn vay cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

- Đào tạo nghề, rà soát lại các chương trình khung, yêu cầu các trường công bố chất lượng lao động đầu ra nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

Lan Hương