Công chức: Nên áp dụng cách tính lương và trả lương trong doanh nghiệp

Nhiều chủ trương, chính sách tinh giảm biên chế đã và đang triển khai mạnh mẽ, quyết liệt nhưng ít ảnh hưởng đến một bộ phận cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.

Ảnh minh họa (internet)
Ảnh minh họa (internet)

Hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước làm việc không hiệu quả vẫn đang tồn tại trong các cơ quan nhà nước, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Nhiều chủ trương, chính sách tinh giảm biên chế đã và đang triển khai mạnh mẽ, quyết liệt nhưng ít ảnh hưởng đến một bộ phận cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Bởi vì, bộ phận cán bộ, công chức này ít khi xảy ra sai phạm, thông thường rơi vào những trường hợp lớn tuổi, sắp về hưu hoặc “con cháu các cụ cả” nên khó xử lý.

Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chế độ công vụ, bất cập của pháp luật về cán bộ, công chức, phương pháp quản lý hành chính nhà nước...Nhưng lý do cơ bản đó là chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức đã làm phát sinh đội ngũ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” trong các cơ quan nhà nước hiện nay.

Tình trạng quy định và quản lý chính sách tiền lương trong cơ quan nhà nước hiện nay có rất nhiều bất cập như cán bộ, công chức công tác càng lâu năm thì lương càng cao được tính theo ngạch, bậc lương, đó là chưa kể các phụ cấp khác kèm theo như phụ cấp công vụ, phụ cấp chức vụ hoặc phụ cấp trách nhiệm đối với các danh công tác như thẩm tra viên, kiểm sát viên, thanh tra viên, trợ giúp viên và nhiều chính sách khác như thu nhập tăng thêm, chế độ công tác phí...Người công tác càng lâu năm thì chế độ lương càng cao, trong khi đó, cán bộ, công chức trẻ mới được tuyển dụng thì lương rất thấp.

Bên cạnh đó, việc quản lý công chức, viên chức vẫn còn lỏng lẽo như tình trạng vi phạm giờ giấc làm việc, ốm đau dài ngày hoặc có những việc riêng xin nghỉ phép... nhưng vẫn hưởng nguyên lương, không có quy định trừ lương. Mặt khác, năng lực thực hiện nhiệm vụ của từng vị trí công tác chưa xem xét để trả lương xứng đáng, công bằng, người làm được việc thì hưởng lương như người làm không được việc, tạo nên rào cản không nhỏ đối với sự năng động, sáng tạo của những cán bộ, công chức có trình độ, năng lực.

Chính vì lý do này mà phát sinh những tiêu cực như chạy suất biên chế vào cơ quan nhà nước để được hưởng lương từ ngân sách; phát sinh tình trạng tham nhũng, tiêu cực như chạy chức, chạy quyền, chạy vị trí công tác để được hưởng các chế độ, phụ cấp tiền lương cao hơn; lãng phí ngân sách nhà nước phải trả lương cho cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”...

Để chấn chỉnh tình trạng trên, thời gian qua nhà nước cũng đã có nhiều chính sách để cải cách chế độ tiền lương như nâng mức lương tối thiểu, phụ cấp nhiều chế độ công vụ; bố trí nguồn ngân sách để thu hút nhân tài về công tác trong cơ quan nhà nước, tinh giản biên chế để nâng lương cho cán bộ, công chức...Tuy nhiên, những giải pháp này chưa thể giải quyết dứt điểm nạn cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, cần phải thay đổi toàn diện về chính sách tiền lương, cụ thể cần phải áp dụng cách tính lương và cách trả lương trong doanh nghiệp theo hướng:

Một là, việc tính lương, trả lương cho cán bộ, công chức căn cứ vào thời gian làm việc thực tế; thời gian thường được áp dụng theo tháng, tuần, ngày, giờ làm việc; áp dụng bảng chấm công, cách này sẽ khắc phục được tình trạng lãng phí thời giờ của cán bộ, công chức.

Hai là, cách tính lương theo sản phẩm sẽ thể hiện được sự công bằng dựa trên năng suất lao động của từng cán bộ, công chức; cách tính lương theo sản phẩm có ưu điểm là sẽ thúc đẩy được năng suất lao động; khuyến khích cán bộ, công chức bằng cách đưa ra mức thưởng khi hoàn thành được một mức khối lượng sản phẩm công việc nào đó.

Ba là, có thể trả lương theo doanh thu, sẽ gắn chặt giữa mức lương cán bộ, công chức nhận được với doanh thu, lợi nhuận của cơ quan, đơn vị nhà nước với mức tỉ lệ thuận; hình thức trả lương theo doanh thu sẽ phù hợp với những vị trí làm việc.

Bốn là, có thể tính lương theo hình thức khoán công việc được áp dụng cho những sản phẩm công việc có tính chất thời vụ, ngắn hạn...

Nếu áp dụng chính sách tiền lương trong cơ quan nhà nước theo cách tính lương và cách trả lương trong doanh nghiệp sẽ khắc phục tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, tiết kiệm ngân sách nhà, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, nhất là hạn chế thấp nhất những tiêu cực, tham nhũng có thể phát sinh.

Theo Minh Đức/Báo Lao động