Còn nhiều dư địa để tăng lương

Hôm nay (10/11), Quốc hội “quyết” việc tăng lương trên cơ sở thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2015. “Nếu biết căn cơ, thì còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng lương”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định.

 PGS-TS Trần Hoàng Ngân
 PGS-TS Trần Hoàng Ngân

Ông nói “còn nhiều dư địa để tăng lương”, đó là những dư địa nào?

Hiện ngân sách chi cho tổ chức lễ hội, khánh thành, động thổ; chi cho đoàn ra, đoàn vào; chi tiếp khách; chi đi học tập kinh nghiệm, công tác nước ngoài… còn khá “rộng rãi”. Trừ các khoản chi cho con người, tất cả các khoản chi thường xuyên khác đều có thể tiết kiệm được để tăng lương.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, mấy năm nay, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đã quyết liệt tiết kiệm chi thường xuyên, nên giờ có tiết kiệm nữa cũng chẳng được là bao?

Dư địa tiết kiệm vẫn còn nhiều, nếu không muốn nói là rất nhiều. Điều này đã được Kiểm toán Nhà nước xác nhận. Tính đến ngày 15/9/2014, theo tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán của 59 cuộc kiểm toán trong 10 tháng đầu năm, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính gần 4.555 tỷ đồng, trong đó, tăng thu hơn 1.310 tỷ đồng, giảm chi gần 796 tỷ đồng, xử lý khác khoảng 2.449 tỷ đồng. Như vậy, nếu thực hiện kiểm toán toàn bộ cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, thì số tiền tiết kiệm được đủ để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.

Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án tăng lương kể từ ngày 1/1/2015 cho người về hưu, người có công và cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống. Ông đánh giá thế nào về phương án này?

Trong bối cảnh thu ngân sách có hạn, phương án của Chính phủ có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, vẫn có thể thực hiện phương án tăng lương cho tất cả các đối tượng đang hưởng lương từ ngân sách theo hướng ai lương cao thì tăng ít, ai lương ít thì tăng nhiều, để thu hẹp khoảng cách thu nhập của các đối tượng.

Cụ thể, những người có mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng có thể tăng 8-10%; người có mức lương 5-9 triệu đồng/tháng có thể tăng 2-3%; người có thu nhập cao hơn tức là thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì không tăng. Tôi nghĩ rằng, nếu thực hiện theo phương án này, ai cũng thấy mình được Nhà nước quan tâm, còn những người hưởng mức lương trên 9 triệu đồng cũng không cảm thấy bị phân biệt đối xử.

Làm như vậy sẽ phá vỡ hệ thống thang, bảng lương hiện hành và tạo ra sự bất hợp lý?

Vấn đề đặt ra là, hệ thống thang, bảng lương hiện hành đã phù hợp với thực tế chưa? Câu trả lời là chưa. Và đây là cơ hội để tính toán, xây dựng hệ thống thang, bảng lương cho phù hợp, một mặt bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người làm việc tại khu vực nhà nước, mặt khác phải bảo đảm ai cống hiến nhiều được hưởng nhiều, ai cống hiến ít được hưởng ít; ai làm việc hiệu quả, năng suất cao thì được hưởng lương cao và ngược lại.

Theo tính toán, để tăng lương cho một số đối tượng thì năm 2015, ngân sách phải tăng chi khoảng 11.100 tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về việc ngân sách buộc phải tăng chi?

Ngân sách có 3 khoản chi, gồm chi đầu tư phát triển chiếm 17%; chi trả nợ và viện trợ (13%); còn lại dành để chi tiêu thường xuyên. Nếu tăng chi thường xuyên mà không biết lấy khoản nào để bù đắp thì phải “xà xẻo” khoản chi cho đầu tư phát triển.

Trong khi đó, chi đầu tư phát triển không thể giảm được nếu muốn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,2% vào năm 2015, nên buộc phải vay nợ. Hiện tại, nợ công đã lên đến 64% GDP và chỉ cần vay thêm 40.000 tỷ đồng nữa thì nợ công sẽ tiến sát ngưỡng trần tối đa đã được Quốc hội cho phép (65% GDP).

Trong 2 năm vừa qua, lạm phát tăng hơn 10%, GDP tăng trên 10%, nếu không tăng lương thì thu nhập thực tế của người làm việc trong khu vực nhà nước bị giảm và cũng trái với đạo lý là kinh tế tăng trưởng mà người dân không được thụ hưởng thành quả. Tôi luôn đồng ý việc tăng lương, nhưng phải sử dụng từ nguồn tăng thu, nguồn tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để tăng lương, chứ không được “xà xẻo” vào tiền chi cho đầu tư phát triển, chi trả nợ.

Năm 2015, tổng chi ngân sách khoảng 1.100.000 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên chiếm 70%, vị chi là 770.000 tỷ đồng. Nếu tiết kiệm được 5-10% chi thường xuyên, thì chúng ta có đủ nguồn để tăng lương mà không cần phải “bớt xén” các khoản chi khác.
Theo Báo Đầu Tư