1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Còn 3 tháng là Tết mà người trồng hoa vừa sản xuất vừa thấp thỏm

Ngô Linh

(Dân trí) - Lo ngại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nông dân trồng hoa, cây cảnh ở Quảng Nam đã chủ động giảm diện tích, xuống giống sớm một số loại phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới.

Trồng ít vẫn lo

Từ tháng 7 (âm lịch) đến nay, nông dân các vùng chuyên canh trồng hoa, cây cảnh tại thị xã Điện Bàn, TP Hội An, huyện Duy Xuyên… tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu xuống giống mùa hoa, cây cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Còn 3 tháng là Tết mà người trồng hoa vừa sản xuất vừa thấp thỏm - 1

Nhiều địa phương tại Quảng Nam giảm diện tích trồng cúc vì lo ngại dịch Covid-19.

Tuy nhiên khác với không khí phấn khởi, nhiều hy vọng như những năm trước, hiện nay nông dân vừa sản xuất vừa phải dè chừng, nhiều nơi đã giảm diện tích để tránh thiệt hại. Ngoài nỗi lo về thời tiết, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế cũng khiến người trồng hoa lo lắng về sức tiêu thụ hoa, cây cảnh dịp Tết.

Tại phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn), những ngày này hơn 300 hộ dân đang tất bật chăm sóc vườn hoa để kịp bung nở dịp tết cổ truyền. Năm nay, nhiều hộ dân đã chủ động giảm diện tích trồng hoa vì lo ngại dịch bệnh.

Còn 3 tháng là Tết mà người trồng hoa vừa sản xuất vừa thấp thỏm - 2

Dù trồng ít người dân vẫn lo lắng khi dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Mọi năm gia đình ông Đặng Tư (phường Điện Nam Trung) xuống giống từ 1.500-2.000 chậu cúc pha lê phục vụ thị trường Tết, nhưng năm nay phải giảm một nửa, chỉ còn 800 chậu.

"Trồng ít vẫn lo, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, dịch bệnh cũng phức tạp nên không biết thị trường Tết như thế nào. Tôi trồng hoa gần 20 năm nay rồi bỏ thì tiếc lắm, gắng gượng thôi hy vọng gần Tết thị trường sẽ khơi thông", ông Tư mong mỏi.

Còn 3 tháng là Tết mà người trồng hoa vừa sản xuất vừa thấp thỏm - 3

Thủ phủ quất miền Trung những ngày này cũng đang tất bật chăm sóc, tỉa cành cho quất.

Tại phường Cẩm Châu (TP Hội An), người dân cũng đang tất bật chăm sóc các loại hoa kiểng phục vụ Tết và chuẩn bị xuống giống các loại hoa ngắn ngày.

Đang chăm sóc, cắt tỉa lại vườn hoa cúc của gia đình, ông Khưu Vĩnh Lâm (phường Cẩm Châu) cho biết, năm nay gia đình ông dự kiến cung ứng thị trường Tết 500 chậu cúc pha lê, 100 chậu cúc đông. Không như các năm, tết này gia đình ông chỉ ưu tiên trồng chậu nhỏ để dễ tiêu thụ, phục vụ được đại đa số người dân.

Người trồng hoa Tết vừa sản xuất vừa lo ngại dịch Covid-19

"Dịch bệnh kéo dài, kinh tế người dân cũng gặp nhiều khó khăn nên tôi chỉ trồng chậu nhỏ cho dễ tiêu thụ. Diện tích hoa năm nay tại nhiều hộ vẫn duy trì như năm ngoái, nhưng tất nhiên không bằng các năm. Dịch bệnh không nói trước được điều gì, trồng ít vậy cũng vẫn lo đầu ra", ông Lâm lo lắng về thị trường tiêu thụ dịp Tết sắp đến.

"Đỏ mắt" ngóng thương lái

Tại xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà (TP Hội An, thủ phủ trồng quất lớn của miền Trung), người dân cũng đang tất bật tỉa cành, uốn cây, chăm sóc để quất sớm phục hồi sau đợt mưa lớn thời gian qua.

Còn 3 tháng là Tết mà người trồng hoa vừa sản xuất vừa thấp thỏm - 4

Mọi năm các vườn đã có thương lái xem vườn, đặt cọc nhưng năm nay vẫn chưa thấy.

Bà Trang Thị Phượng (khối Bàu Súng, phường Thanh Hà, TP Hội An) cho biết, cũng như mọi năm, gia đình bà vô chậu 500 cây quất các loại phục vụ Tết, vừa trồng vừa lo ngại dịch bệnh nên người dân cứ thấp thỏm không yên. Nếu như mọi năm thời điểm này thương lái đã đến xem vườn, đặt cọc thì thời điểm này vẫn chưa thấy ai.

"Năm ngoái tôi chỉ lãi chút ít dịp cận Tết, còn trước đó phải bán giá thấp cho thương lái. Năm nay các loại nguyên liệu tăng giá, nếu bán không được thì chỉ có lỗ. Hy vọng cận Tết tình hình dịch bệnh ổn định để việc tiêu thụ hiệu quả", bà Phượng mong mỏi.

Còn 3 tháng là Tết mà người trồng hoa vừa sản xuất vừa thấp thỏm - 5

Người dân vừa sản xuất vừa dè chừng, hy vọng dịch sớm kiểm soát để có cái tết đủ đầy.

Đang cắt tỉa lại vườn quất, ông Nguyễn Định (xã Cẩm Hà, TP Hội An) lo lắng: "Chúng tôi cứ trông mãi mà chẳng thấy thương lái, mọi năm người ta đã đến vườn xem cây và đặt cọc. Dịch bệnh hiện nay vẫn còn ở nhiều nơi nên chưa nói trước được điều gì, vừa làm mà vừa lo. Công lao động hiện nay thuê người chăm sóc quất từ 250-300 ngàn/người, để tiết kiệm thì nhiều hộ phải huy động người nhà".

Theo Phòng Kinh tế TP Hội An, trên địa bàn thành phố hiện nay có khoảng 126.550 quất chậu đang giai đoạn cho trái, 297.700 quất giống; cúc các loại 100.000 cây đang giai đoạn chăm sóc, thu hoạch và trồng mới liên tục, các loại hoa cây cảnh ngắn ngày đang chuẩn bị vào vụ….

Diện tích sản xuất không đổi so với cùng kỳ. Tổng số lượng hoa cây cảnh tương đương với cùng kỳ, tuy nhiên một số loại hoa như mãn đình hồng, thược dược, lay ơn, cúc chậu có giảm nhẹ.

Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An cho hay, trước những lo lắng của người dân về tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hoa, cây cảnh trong dịp Tết Nguyên đán 2022, do đó căn cứ vào thực tế dịch bệnh diễn ra trên địa bàn, thành phố sẽ có biện pháp hỗ trợ để người sản xuất được thuận lợi trong tiêu thụ hoa cây cảnh.

Cụ thể, đề xuất các tỉnh bạn tạo điều kiện bố trí về mặt bằng kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi trong các thủ tục lưu thông đi lại trong quá trình vận chuyển hoa cây cảnh; hỗ trợ phí mặt bằng khi buôn bán tại chợ hoa xuân của Thành phố….

Được biết, giá trị sản xuất hoa cây cảnh Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đạt 80 tỷ đồng (giảm 15 tỷ đồng so với năm 2019), các loại hoa cây cảnh phát triển thuận lợi, tuy nhiên giá bán sĩ tại vườn giảm 30% so với cùng kỳ; nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 nên lượng tiêu thụ tại các tỉnh giảm, thương lái mua giảm giá so với cùng kỳ.

Chợ hoa xuân Tân Sửu trên địa bàn thành phố diễn ra đúng kế hoạch, các hộ tham gia chợ hoa tiêu thụ tốt lượng hoa cây cảnh, chợ hoa kết thúc sớm so với hàng năm; giá bán tiêu thụ trên địa bàn thành phố tương đương các năm.