Gia Lai:

Biến gỗ mục, rễ cây bỏ đi… thành tượng điêu khắc nghệ thuật tiền triệu

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Từ những gốc cây mục, đôi bàn tay tài hoa, sự tỉ mỉ và mắt thẩm mỹ của những người thợ đục đã làm nên những tượng gỗ có giá trị.

Trong một góc sân, anh Nguyễn Văn Hậu (ở TP Pleiku, Gia Lai) đang tỉ mỉ tỉa tót một gốc cây trắc đã mục. Từ một gốc cây thô ráp, anh Hậu phác thảo những đường uốn lượn và điêu khắc tạo hình pho tượng Quan Âm bay trên mây…

Biến gỗ mục, rễ cây bỏ đi… thành tượng điêu khắc nghệ thuật tiền triệu - 1

Từ những gốc rễ bỏ đi, anh Hậu đã đục nên tượng gỗ có giá trị hàng chục triệu đồng.

Anh Hậu sinh ra và lớn lên ở làng nghề chế tác gỗ truyền thống Đông Giao (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Vì cuộc sống khó khăn nên vào năm 2010, anh đã khăn gói vào Gia Lai để tìm công việc làm. Hành trang của anh là mấy bộ quần áo và tay nghề chạm gỗ gia truyền.

"Từ xưa, nghề chế tác gỗ ở quê rất thịnh nhưng rồi cũng dần bị mai một. Nguyên nhân là nguồn hàng để đục tượng khan hiếm. Không có việc làm, tôi đã quyết vào Gia Lai để mong muốn tiếp tục niềm đam mê nghề đục. Tôi đi vào làng đồng bào để mua tượng gỗ mục, gốc rễ để về đục tượng", anh Hậu chia sẻ.

Biến gỗ mục, rễ cây bỏ đi… thành tượng điêu khắc nghệ thuật tiền triệu - 2

Muốn đục nên những tượng gỗ có hồn, yêu cầu thợ đục phải có con mắt nghệ thuật và sự kiên trì, tỉ mĩ.

Để biến những bộ rễ (gốc) cây xù xì, thô kệch thành sản phẩm gỗ mỹ nghệ có giá trị những người thợ đục như anh Hậu phải có con mắt thẩm mỹ và tư duy hình khối tốt. Khác với nhiều cơ sở gỗ mỹ nghệ đang đua theo thị hiếu khách hàng về tượng to, lớn, anh Hậu chuyên tạc tượng phật Di Lặc, Quan Âm… có hình thù nhỏ, gọn mang dáng phá cách. Anh không đi theo lối mòn của các tượng gỗ đang bày bán trên thị trường.

Anh Hậu chia sẻ, bức tượng đạt chất lượng phải có cái hồn. Nét mặt của tượng đục ra phải phù hợp với điều tác giả muốn thể hiện. Ngay từ khâu chọn gốc, rễ cây cũng phải tỉ mỉ để tạc ra những bức tượng khiến khách hàng ưng ý để sẵn sàng mua với giá hàng chục triệu đồng.

Mỗi tháng, xưởng anh Hậu chỉ đục ra khoảng từ 3-5 bức tượng. Tùy vào sở trường từng người, anh Hậu sẽ giao từng bước để hoàn chỉnh một bức tượng. Vì mỗi chút cẩu thả, nóng vội, bức tượng cũng bị hư do nứt hoặc sai chi tiết…

Biến gỗ mục, rễ cây bỏ đi… thành tượng điêu khắc nghệ thuật tiền triệu - 3

Để tạo nên một bức tượng gỗ phải mất cả tháng trời.

Tuy mất nhiều công sức để đục tượng nhưng anh Hậu cùng các thợ đục khác đều cảm thấy niềm vui khi làm ra một bức tượng ưng ý. Mỗi tác phẩm do xưởng Hậu làm ra đều mang một vẻ đẹp riêng, ẩn ý về triết lý nhân sinh của cuộc sống.

Thị trường gỗ mỹ nghệ cũng ngày càng khắt khe, sản phẩm làm ra không chỉ đẹp, mà còn phải có hình dáng độc đáo, nên đòi hỏi người thợ phải dày công tìm hiểu để sáng tạo ra những món hàng ưng ý và chất lượng.

Nghề đục tượng từ những gốc rễ bỏ đi

Anh Hậu chia sẻ, nghề đục tượng này cũng gặp thời. Nếu sản phẩm làm ra từ chất gỗ tốt, đục đẹp thì khách hàng sẽ trả giá rất cao. Còn không làm mãi cũng không đủ sống. Xưởng của anh sẽ nhận gỗ của khách mang đến nhận đục hoặc đi sưu tầm gốc rễ đục.

Trung bình mỗi tháng, xưởng anh cũng thu về được khoảng gần 50 triệu đồng. Số tiền này sẽ trả lương thợ đục còn nữa cũng tích góp được khoảng 20 triệu đồng.

Biến gỗ mục, rễ cây bỏ đi… thành tượng điêu khắc nghệ thuật tiền triệu - 4

Vì đam mê, các thợ đục cũng chịu những vất vả nguy hiểm khi sống trong môi trường bụi từ bột gỗ.

Hơn 10 năm nay, tượng anh Hậu đục ra đều có dao động giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Tuy vậy, nghề này cũng lắm nguy hiểm khi phải hít thở trong môi trường đầy bụi gỗ. Anh Hậu từng nằm viện điều trị bệnh viêm xoang hay bị dị ứng với cây gỗ sơn khiến bong tróc da toàn thân.

"Đa phần, thợ làm nghề chạm đục gỗ đều bị viêm xoang. Mà bệnh này khó chữa dứt điểm. Trên người tôi phải có đến chục vết xước. Vẫn biết là vậy nhưng cái nghề này mang lại thu nhập ổn định nên ai cũng cố bám trụ để nuôi con cái", anh Hậu tâm sự

Tại nhà số 337 (đường Nguyễn Viết Xuân), anh Trần Đức Vinh đang đắm mình trong không gian riêng để chế tác tác phẩm "Tìm về tâm Phật" từ một gốc gỗ xù xì dài chừng 2 m, rộng 1 m.

Biến gỗ mục, rễ cây bỏ đi… thành tượng điêu khắc nghệ thuật tiền triệu - 5

Anh Trần Đức Vinh cặm cụi sáng tạo bức tượng Quan Âm.

"Gốc này mình mua của một người dân cách đây khá lâu rồi. Sau mấy năm phơi mưa, nắng để bong tróc hết phần vỏ bên ngoài thì mình mới đưa vào xử lý rồi chạm khắc. Giờ nhìn vào thấy khúc gỗ này rất vô vị nhưng khi tạc xong sẽ khác hoàn toàn", Vinh cho biết.

Anh Nguyễn Phi Trường (trú đường Nay Der, phường Phù Đổng, TP Pleiku) luôn có đam mê về sưu tập các tượng gỗ làm từ gốc rễ, gỗ mục. Hiện nay, gia đình anh đang sở hữu từ 150 - 200 tượng gỗ lớn nhỏ khác nhau. 

Biến gỗ mục, rễ cây bỏ đi… thành tượng điêu khắc nghệ thuật tiền triệu - 6

Anh Phi Trường cùng bức tượng có giá trị gần 300 triệu đồng.

Thời gian rảnh, anh Trường thường len lỏi vào những làng đồng bào để tìm mua gốc rễ cây mục, cây lâu năm có giá trị như hương, trắc, cẩm... Sau đó, anh sẽ đưa đến thợ đục để tạo nên tượng gỗ theo trí tưởng tượng, tạo hình của mình. Một số khác anh đi mua ở các lò đục tượng.

Biến gỗ mục, rễ cây bỏ đi… thành tượng điêu khắc nghệ thuật tiền triệu - 7

Để sở hữu những bức tượng từ cây gỗ mục, anh Trường đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng.

"Để có thể sưu tập được những tượng gỗ này gia đình đã bỏ ra hàng tỷ đồng. Lúc thuê đục tượng, tôi luôn muốn thợ phải giữ được vẻ tự nhiên. Mỗi sáng, tôi thường nhâm nhi ly nước trà rồi ngắm nhìn tượng sẽ cảm thấy thư thái, tan biến những áp lực của công việc", anh Trường bộc bạch.