Thị trường XKLĐ Hàn Quốc:
Còn 29 ngày, tỉ lệ lao động VN cư trú bất hợp pháp sẽ dưới 30%?
(Dân trí) - Ngày 31/12, thời hạn miễn xử phạt cho lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự động hồi hương và Bản thỏa thuận đặc biệt tiếp nhận lao động (MOU) giữa VN và Hàn Quốc cùng hết hạn. Liệu cơ quan chức năng có giảm tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp để có thể tiếp tục ký gia hạn bản MOU?
Những trăn trở
Nhiều tháng nay, Chuyên mục Việc làm của Báo Dân trí luôn nhận được nhiều ý kiến của lao động VN đang làm việc tại Hàn Quốc chia sẻ về việc miễn xử phạt lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước từ 1/9-31/12/2015.
Anh Nguyễn Đức Dũng, một lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Incheon (Hàn Quốc), viết: “Chính phủ ban hành chính sách miễn xử phạt là một tín hiệu tốt để anh em lao động VN tại Hàn Quốc hồi hương. Tôi cũng đang suy nghĩ nhiều về việc này”.
Nhưng anh Nguyễn Đức Dũng thành thật: “Sau 5 năm làm ở Hàn Quốc, tôi có thể thu nhập từ 40-50 triệu đồng/tháng. Công việc đang ổn định lại về, nghĩ cũng tiếc. Về nước thì biết đến bao giờ mới có cơ hội quay lại tìm việc?"
Không chỉ vậy, người lao động còn có nhiều lý do khác. “Những năm 2006-2008, tôi mất vài trăm triệu đồng mới sang được đây để làm việc. Nay mới mở mày mở mặt được thì phải về nước. Đúng là tôi có vi phạm, nhưng cơ quan quản lý phải làm nghiêm ngay từ lúc tuyển chọn” - một lao động giấu tên chia sẻ.
Tuy nhiên đa số băn khoăn của người lao động xoay quanh thông tin tìm kiếm công ăn việc khi về nước. Đây có lẽ cũng là một tham khảo tới các cơ quan chức năng khi triển khai công tác tuyên truyền từ nay tới ngày 31/12.
Anh Hoàng Trọng Thịnh, một lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, viết: “Hồi hương về rồi làm công việc gì? Xem qua mạng internet, tôi thấy ít thông tin trên báo chí phản ánh về gương lao động từ Hàn Quốc đã về nước đúng hạn và lập nghiệp thành công. Phải chăng, công tác tuyên truyền sao về điều này còn bỏ trống?”.
Cũng với trăn trở trên, nhiều lao động cũng chia sẻ về việc thiếu một website chính thống cũng cấp cho thông tin tuyển dụng việc làm dành riêng cho lao động từ Hàn Quốc về nước. “Để từ Hàn Quốc, chúng tôi có thể chủ động dùng mạng internet vào đó tham khảo các thông tin”.
Cần thông tin việc làm!
Anh Phạm Ngọc Minh, một lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc, cho biết thêm: “Ngay cả mục “Hỗ trợ việc làm thường xuyên” tại website của Trung tâm lao động ngoài nước cũng không có chỉ tiêu tuyển dụng việc làm cụ thể để tham khảo!. Vậy những thông tin việc làm kiểu này đang được đăng tải tại đâu mà chúng tôi chưa rõ?”
Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo tổ chức nhiều Phiên GDVL ở một số địa phương phía Bắc tổ chức dành cho lao động từ Hàn Quốc về nước. Đây là kênh thông tin tốt cho lao động đã về nước tham khảo.
Tuy nhiên, nhiều lao động tới dự cũng có góp ý trên tinh thần xây dựng: “Mấy năm qua ở Hàn Quốc, chúng tôi chủ yếu làm việc theo kiểu cầm tay chỉ việc nên chỉ thạo ở những công đoạn nhất định. Nay đến phỏng vấn, không ít công ty đòi bằng cấp thì cũng khó có thể trúng tuyển được” - một lao động về nước từ năm 2014 bộc bạch.
“Từ nay tới 31/12/2015 chỉ còn 29 ngày, tôi đang băn khoăn nếu về nước thì công việc làm phù hợp sẽ ra sao?” - Một người lao động VN từ Hàn Quốc trăn trở.
Mức lương cũng là điều mà nhiều lao động còn e ngại. Khi dự tuyển tại VN, mức lương của lao động VN từ Hàn Quốc về nước dao động từ 6-10 triệu đồng/người, cho các công việc như thợ kỹ thuật, tổ trưởng hoặc phiên dịch tiếng Hàn. Hiếm trường hợp từ 12-15 triệu đồng/tháng.
“Mức lương này không thể so sánh được với mức lương làm thuê từ 30-60 triệu đồng/tháng, tùy tay nghề của lao động” - một lao động từng đi XKLĐ tại Hàn Quốc nói.
Trong khi đó, người lao động khi về nước lại chủ yếu muốn làm việc không quá xa gia đình, ít trường hợp chấp nhận đi làm ở địa phương xa. “Nhiều Phiên GDVL có các công việc phù hợp nhưng khoảng cách từ nhà tới nơi làm việc xa tới 20-30 km, việc đi lại cũng là một trở ngại” - anh Trịnh Quang Ngọc, một lao động mới về nước nói.
Anh Trịnh Quang Ngọc đưa ra góp ý: “Bên cạnh lợi thế gần gũi với gia đình, công tác tuyên tuyền cho lao động hồi hương cần làm rõ cho người lao động thấy được sự ổn định về công việc lâu dài sau này ở VN. Có như vậy, anh em mới yên tâm hồi hương”.
Được biết thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm làm giảm số lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Mặc dù có những kết quả bước đầu, nhưng mức độ vẫn chưa đáp ứng được với kỳ vọng của hai bên VN và Hàn Quốc.
Hết Quý 3/2015, số lượng lao động VN cư trú bất hợp pháp vẫn trên 32 %, tương đương với khoảng hơn 15.000 lao động. Điều này đang là một trở ngại không nhỏ trong việc đàm phán với đối tác Hàn Quốc trong thời gian tới để gia hạn Bản thỏa thuận về lao động (MOU).
Hoàng Mạnh