1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cơ quan bảo hiểm nói về số tăng 3.193 tỉ đồng chi phí quản lý năm 2015

(Dân trí) - Trong cuộc Toạ đàm do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng 11/3 tại Hà Nội, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, đã giải thích về tính xác thực của thông tin đang được dư luận quan tâm: Chi phí quản lý năm 2015 của BHXH VN tăng lên 75,8 %, tương đương với 3.193 tỉ đồng.

Thông tin chưa chính xác

Trả lời câu hỏi của PV về "số liệu do Kiểm toán Nhà nước mới công bố, theo đó, về việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH VN năm 2015 tăng 75,8%, khoảng 3.193 tỷ đồng so với năm 2014. Bên cạnh đó, tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN hàng năm đều vượt tổng số thu", ông Phạm Lương Sơn khẳng định, đây là thông tin hoàn toàn không chính xác.


Cơ quan bảo hiểm nói về số tăng 3.193 tỉ đồng chi phí quản lý năm 2015 - 1

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN.

"Cụ thể, số liệu của Kiểm toán Nhà nước về việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8%, tức tăng khoảng 3.193 tỷ đồng so với năm 2014. Đây chỉ là: “việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH VN năm 2015” chứ không phải là số chi phí quản lý của BHXH Việt Nam" - ông Phạm Lương Sơn nói.

Số liệu trên được BHXH Việt Nam lập dự toán gửi Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan, không phải là dự toán chi phí quản lý được Thủ tướng phủ giao.

Cũng theo Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn, dự toán chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2015 của BHXH Việt Nam được Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 28/01/2015 là 6.560 tỷ đồng, tăng 59% (2.445 tỷ đồng) so với dự toán năm 2014.

“Chi phí quản lý bộ máy của BHXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2015 tăng 2.445 tỷ đồng so với dự toán năm 2014 để thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách mà năm 2014 trở về trước chưa được bố trí kinh phí hoặc bố trí ở mức thấp, do tuân thủ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách

Chi hoạt động bộ máy tăng 6 %.

“Việc chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy năm 2015 chỉ tăng 6% so với năm 2014, nhằm phục vụ nâng lương hàng năm. Còn chi quản lý hành chính năm 2015 không “Thứ nhất, tăng chi cho công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; Chi đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN (nội dung chi này năm 2014 chưa được bố trí kinh phí)”.tăng so với năm 2014” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Giải thích về chi phí tăng nhằm thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, ông Phạm Lương Sơn lưu ý nội dung chi cho hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), nhằm phục vụ phát triển hệ thống ứng dụng CNTT theo yêu cầu của Luật BHXH, Luật BHYT.

“Nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 28/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Cũng theo lý giải của vị Phó Tổng giám đốc BHXH VN, việc tăng chi còn phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng. Năm 2015, khoản mục chi này tăng 36% so với năm 2014.

“Nguyên nhân là do số đối tượng tham gia, số đối tượng thụ hưởng, số thu, số chi BHXH, BHYT, BHTN đều tăng. Điều này dẫn tới các khoản chi thù lao đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT của một số đối tượng và chi UBND xã lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình, phục vụ công tác thu; chi phí chi trả lương hưu, giám định BHYT... cũng tăng tương ứng” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Đại diện BHXH VN nhấn mạnh tại cuộc Toạ đàm: “Như vậy, chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2015 tăng 59% so với năm 2014 chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách và phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng trong năm qua tăng rất lớn” .

Tổng chi không vượt thu

Về thông tin tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN vượt tổng số thu. Theo ông Phạm Lương Sơn, thực tế số thu BHXH năm 2015 là 148.375 tỷ đồng, số chi chế độ BHXH từ quỹ BHXH là 102.797 tỷ đồng bằng 69,3% số thu trong năm; số thu BHTN năm 2015 là 9.710 tỷ đồng, số chi chế độ BHTN từ quỹ BHTN là 4.883 tỷ đồng bằng 50,3% số thu trong năm; số thu BHYT năm 2015 là 59.669 tỷ đồng, số chi KCB BHYT là 49.035 tỷ đồng bằng 82% số thu trong năm.

“Như vậy, tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN hàng năm không vượt tổng số thu trong năm” - ông Phạm Lương Sơn khẳng định.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Có được lĩnh bảo hiểm thất nghiệp “một gói”?

Bạn Lưu Trinh (Hà Nội) hỏi: Anh tôi đang hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp được 2 tháng. Nhưng gia đình có việc đột xuất phải cử anh tôi đi ra nước ngoài một thời gian dài. Vậy việc hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp ra sao? Anh tôi có được lĩnh bảo hiểm thất nghiệp “một gói” hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 52 Luật Việc làm thì trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; trường hợp bất khả kháng. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Luật Việc làm thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây: Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp; tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng; không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 03 tháng liên tục; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp; chết; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tòa án tuyên bố mất tích; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù...

Các trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại sẽ không được bảo lưu theo quy định này. Hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp không còn chế độ trợ cấp một lần.

P.L

Nghỉ việc có bị ảnh hưởng tới thời gian “5 năm liên tục…” ghi trên thẻ BHYT không?

Bạn Doãn Công Minh (Đồng Tháp) hỏi: Tôi đã tham gia BHXH, BHTN được hơn 50 tháng. Cuối tháng 9, tôi sẽ nghỉ việc ở công ty cũ và làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Vậy thời gian tham gia BHXH, BHTN trước đây của tôi có bị ảnh hưởng gì không? Tình trạng nghỉ việc trong thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp này liệu có ảnh hưởng tới quy định trên thẻ BHYT ghi là “thời gian 5 năm tham gia liên tục hay không…”?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế, người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm nếu không tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm khác, thời gian đó được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội được điều chỉnh bởi các quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp được điều chỉnh bởi các quy định trong Luật Việc làm. Như vậy, bạn Minh sẽ được hưởng bảo hiểm nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp không ảnh hưởng đến các chế độ bảo hiểm xã hội. Và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế, bạn vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ của người tham gia theo quy định.

H.V

Có được hỗ trợ mức chi phí học nghề cao hơn quy định?

Ông Tạ Văn Bình ở Phú Yên hỏi: Tôi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp ở tỉnh Phú Yên, giờ tôi có nhu cầu học nghề lái xe, nếu mức chi phí học lái xe cao hơn mức chi phí học nghề theo quy định của pháp luật thì tôi có được hỗ trợ không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề thì phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định này thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.

Như vậy, ông Tạ Văn Bình trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề sẽ được hỗ trợ học nghề và nếu ông tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do ông tự chi trả theo các quy định nêu trên.

A.L