Tranh cãi chuyển việc: Ở lại vì “ân tình” hay ra đi vì lương 35 triệu đồng?
(Dân trí) - Câu chuyện của Huỳnh Vĩnh Trọng về việc đi hay ở, khi có ngân hàng tuyển với mức lương 35 triệu đồng, phúc lợi ưu đãi. Trong khi đó, “ân tình” với người sếp cũ khiến Huỳnh Vĩnh Trọng lưỡng lự. Ngay khi bài viết xuất bản, nhiều bạn đọc tâm huyết đã chia sẻ quan điểm khác nhau.
Nấc thang mới - tội gì không đi!
Giữ quan điểm nên chuyển việc mới, bạn đọc có nick Tuvd góp ý: “Nếu bạn nói chuyện với sếp, tôi tin sếp cũng khuyên bạn nên đi. Người giúp đỡ mình cũng mong mình có công việc ổn định và thu nhập tốt.
Nếu thật sự hiểu và không ích kỉ, sếp sẽ động viên để bạn đi. Bạn không nên áy náy về vấn đề "qua cầu rút ván". Lương tâm ta không quên người cứu giúp. Bạn sẽ có nhiều cách để giữ được mối quan hệ tốt đẹp này.
Bạn Tuvd cũng bổ sung: “Công việc của sếp bố trí cho bạn chưa đúng với chuyên môn. Mà đều này chắc ít nhiều cũng hạn chế trong quan hệ, ông ý có lẽ cũng không muốn”.
Có lẽ là một người có thâm niên trong ngành ngân hàng, bạn đọc có nick Mr Xu Thanh đóng góp ý tưởng hay: “Được mời với chức danh mức lương cao hơn, chứng tỏ bạn là người có năng lực. Trừ phi, đây chỉ là đòn cạnh tranh bẩn giữa các tổ chức/cá nhân. Áp lực công việc của vị trí mới cao hơn rất nhiều. Nó cũng đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội thăng tiến lên vị trí cao hơn”.
Nhận định của Mr Xu Thanh: "Đến cơ quan mới tất yếu sẽ có những khó khăn, thử thách mới, bạn phải cam kết chỉ tiêu và cũng phải có thử thách vượt qua chỉ tiêu trong thời hạn nhất định".
Chỉ ra mối quan hệ với sếp, bạn đọc Mr Xu Thanh nói: “Với một vị trí mới tốt đẹp hơn, tôi nghĩ nếu là sếp tốt sẽ không những không giữ mà còn động viên, tạo điều kiện cho ra đi. Còn nếu là người sếp cứ luôn giữ mà không tạo điều kiện cho bạn phát triển, thì cũng không nên lưu luyến làm gì. Quan hệ như vậy không bền. Trước hay sau mối quan hệ đó cũng sẽ bị phá vỡ, thậm chí có thể trở thành hai thái cực khác nhau”.
Bạn đọc có nick SOSoc chia sẻ quan ngại “quan cầu rút ván” của Huỳnh Vĩnh Trọng. “Tình cảm với sếp cũ là gì? Chỉ đơn giản là "sếp tốt"? Hay là tình anh em bạn bè. Anh sợ là thành "kẻ qua cầu rút ván", thực ra chỉ là suy nghĩ của anh chứ còn mọi người không nghĩ vậy. Nên nếu anh muốn chuyển việc mà còn lăn tăn. Sếp đồng ý mới buồn chứ sếp nói này nọ chứng tỏ là không thật lòng với anh”.
SOSoc cho rằng: Nói chung em nghĩ chắc anh đã quyết định chuyển nhưng vẫn còn lăn tăn về chuyện tình cảm. Đã suy nghĩ kĩ thì mình cứ làm thôi không sau này lại hối hận
Đồng ý với quyết định chuyển việc, nhưng bạn đọc nick Lê Phúc khuyên: “Anh cần kiểm tra lại thông tin công ty mới kia về: Quy mô, nguồn lực, nhân sự có phải đang thiếu vị trí cần tuyển”.
Trong khi đó, bạn đọc nick Thiên thạch chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về câu chuyện tương tự: “Tôi cũng vừa nghỉ việc 2 tháng, khi ra đi, tôi lên tâm sự với sếp gần 1 buổi, về những gì tôi có và mất khi tôi đi và tôi xin một lời khuyên chính từ người tôi nặng ân tình. Và giờ đây, tôi có được 2 thứ, một nơi làm việc tốt và một mối quan hệ rộng mở ở nơi cũ…”
Nên đánh giá sức mình
Một lượng lớn bạn đọc lại có ý kiến khuyên Huỳnh Vĩnh Trọng ở lại với sếp cũ. Bạn đọc có nick Nguyen An Quỳnh chia sẻ: Cá nhân tôi, sự nghiệp chọn mình chứ mình không chọn sự nghiệp. Chỗ bạn đang làm lương cũng khá rồi. Sếp cũ thương thì nên tiếp tục làm bạn nhé. Chúc bạn có quyết định sáng suốt.
Một bạn đọc có nick Người vô danh phân tích sâu hơn: “Việc làm ngành ngân hàng mấy năm nay không còn là mơ ước nữa đâu. Áp lực lớn, chỉ tiêu cao, cạnh tranh ác liệt giữa các ngân hàng, khách hàng có hạn...Bạn nên chọn cơ hội an toàn đi”.
Đứng ở góc độ người từng trải, bạn đọc có nick Nguyên Bình Khiêm chia sẻ: “Tôi thì lại có quan điểm khác nhé, anh có sang đó thì chỉ tiêu nhiệm vụ khá nặng nề đấy. Không dễ ngân hàng họ bỏ cả đống tiền ra để tuyển cho vui đâu. Cháu tôi cũng vừa phải xin nghỉ ở một ngân hàng vì áp lực huy động vốn quá lớn. Nên lựa sức mình đã nhé, người trọng ân tình”.
Giải thích quan điểm nên ở lại, bạn đọc có nick Dung Tran nói: “Nếu tôi thì tôi sẽ làm việc với sếp cũ, dù lương thấp. Điều quan trọng là làm việc cảm thấy thoải mái, kết hợp ăn ý và có sự tin tưởng, tín nhiệm. Vị trí mà bạn đang làm thế nào, trách nhiệm, quyền lợi, khả năng so với vị trí mới. Nếu có thể, bạn hãy trao đổi thêm với sếp cũ. Tôi nghĩ sếp cũ của bạn sẽ thấu hiểu và hai người sẽ có một sự thống nhất ổn thỏa”.
Là một người am hiểu ngành tín dụng, bạn đọc có nick Thành gợi ý: Không nên đi. Bây giờ ngân hàng nào áp lực cũng ghê lắm. Giám đốc Quan hệ khách hàng thực ra là cán bộ tín dụng, tuổi thọ nghề nghiệp ngắn lắm, môi trường mới phức tạp. Mình khuyên bạn không nên đi. Thời điểm này ổn định là quan trọng nhất.
Một lời khuyên khác, bạn đọc có nick Người dân khuyên: Nên chớ "tham bát bo mâm, hay đứng núi này trông núi nọ", đấy nhé. Bạn không nên đi, nhưng bạn tâm sự với sếp mà bạn đang làm. Như vậy sếp càng quý trọng. Giá trị của bạn sẽ cao lên trong mắt sếp. Lúc đó bạn sẽ có mọi thứ...
Nhiều bạn đọc khuyên Huỳnh Vĩnh Trọng có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định.
- Được và mất 10 triệu đồng tiền lương? Bạn đọc Luuva: Bạn Huỳnh Vĩnh Trọng đang đắn đo, chứng tỏ bạn là người rất coi trọng tình cảm. Nếu bạn ở lại bạn mất 10 triệu bù vào đó bạn lại được cái lớn hơn 10 triệu đồng đấy, phải cân nhắc bạn ra đi được nhiều hay mất và cái gì quan trọng nhất với cuộc sống hiện tại của bạn lúc này. Hãy làm theo lương tâm bạn mách bảo...
- Nghĩ kỹ về thách thức công việc mới!: Bạn đọc Happy: Không ai có thể quyết định thay bạn được. Công việc sẽ mang đến cho ta rất nhiều thứ và lấy đi của chúng ta cũng không ít. Đó là cơ hội thực sự và thách thức không nhỏ. Nếu bạn là người muốn đối diện với thách thức thì nên đến với công việc mới. Đi hay ở lại đều do bạn quyết định nhé.
- Mảng tín dụng không dễ “ăn”. Bạn đọc Hoàng Ngọc Thanh: Công việc tín dụng kén người. Bạn phải có thực tài mới giữ vững vị trí trước áp lực rất cao. Mảng tín dụng là khâu quyết định của ngân hàng trong thời buổi đang cạnh tranh quyết liệt hiện nay. Bạn nên cân nhắc thực lực của mình trước khi quyết định.
- Cân nhắc giữa lợi và hại. Bạn đọc Quang Anh: Phàm ở đời, có lợi cho mình, không hại cho người: Nên làm; Có lợi cho mình, có lợi cho người: Phải làm; Có lợi cho mình, có hại cho người: Cân nhắc lợi có đủ lớn hơn mối quan hệ giữa mình với người xong rồi hẵng làm; Có hại cho mình, có lợi cho người: Lại cân nhắc có hại của mình có nhỏ hơn tình cảm dành cho người hay không rồi hãy làm; Có hại cho mình, có hại cho người: Người không thông minh mới làm; Không lợi cho mình cũng không hại cho người: Xin đừng rảnh mà đi làm. Chuyện này cũng chung quy là trong đối nhân, xử thế mà ra.
Hoàng Mạnh (tổng hợp)