Cô gái không tay từng phải đi ăn xin, nay thành CEO năm 24 tuổi
(Dân trí) - Mất đôi tay trong vụ tai nạn năm 8 tuổi, Yang Pei (quốc tịch Trung Quốc) từng phải đi xin ăn vì cuộc sống quá nghèo. Nhờ nỗ lực, cô trở thành giám đốc điều hành (CEO) của một công ty thêu.
Quá khứ xin ăn, ngủ lang ở công viên
Yang Pei (SN 1990) sinh ra ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Ngay từ nhỏ, cô gái đã được bố mẹ hết mực yêu thương. Mặc dù gia đình không mấy khá giả, kiếm sống bằng nghề làm nông nhưng bố mẹ luôn cho Yang ăn học đầy đủ để không phải chịu cảnh vất vả như mình. Vì vậy, Yang là một đứa trẻ ham học, chăm chỉ, luôn có thành tích tốt ở trường.
Tuy nhiên, năm lên 8 tuổi, trong một lần đi mang áo mưa cho mẹ ngoài ruộng, Yang vô tình chạm vào máy biến áp và bị điện cao thế làm choáng tại chỗ. Mặc dù được cứu sống, nhưng Yang đã bị mất đi đôi tay mãi mãi.
Tỉnh dậy sau cơn hôn mê, Yang đã khóc rất nhiều khi biết mình đã trở thành người tàn tật. Từ một đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, cô trở nên chán nản. Không khí gia đình cũng rơi vào cảnh ảm đạm.
Yang không thể đi học như bao đứa trẻ khác. Hằng ngày, cô chỉ ở nhà và chờ mẹ về để được ăn cơm. Vì quá buồn bã, Yang từng chạy ra sông để kết liễu cuộc đời.
Khoảnh khắc được mẹ cứu sống và ôm chặt trong lòng, Yang không khỏi đau lòng và thức tỉnh khi nhìn thấy mẹ khóc. Lúc đó, cô nghĩ rằng dù bản thân mất đi đôi tay nhưng bản thân vẫn còn được gia đình yêu thương. Sau lần đó, Yang quyết định sống một cuộc đời mới.
Cô gái mỗi ngày đều dùng chân nhặt đá rồi ném xuống sông để rèn luyện sự dẻo dai, sức mạnh của mình. Dần dà, Yang học cách cầm đũa, gắp thức ăn, giặt quần áo, viết chữ, rửa mặt,… bằng chân. Với nỗ lực này, Yang đã có thể tự chăm sóc bản thân như một người bình thường.
Thấy gia đình càng trở nên nghèo khó sau khi tốn tiền chữa trị cho mình, Yang một mình lên thành phố để tìm việc làm khi chỉ mới 15 tuổi. Thời gian đầu, vì không có bằng cấp, kinh nghiệm, Yang không xin được việc làm, phải lang thang khắp nơi. Buổi sáng, Yang đi ăn xin, lục thùng rác kiếm thức ăn, còn ban đêm ngủ ở công viên.
Thấy cô khốn khổ, một người đã chỉ cho Yang kiếm tiền bằng nghề bán báo dạo. Cô gái bắt đầu quàng một chiếc túi quanh cổ, đựng những tờ báo đặt ở trước ngực, đi khắp nơi để bán. Nhờ vậy, Yang mới có thể sống qua ngày nhờ công việc này.
Sự thay đổi ngoạn mục
Một hôm, cô vô tình đi ngang cửa hàng thêu tranh chữ thập và bị thu hút bởi những sản phẩm bên trong. Sau khi tìm hiểu và biết nghề này có thể kiếm được nhiều tiền, Yang quyết định học và tập thêu bằng chính đôi chân của mình.
Mỗi ngày, sau khi bán hết số báo, cô về nhà rồi ngồi trên giường tập xâu kim và thêu. Việc này khó đến mức Yang không nhớ nỗi số lần mình bị kim đâm chảy máu.
Thế nhưng, không vì thế mà cô từ bỏ. Yang cắn răng, chịu đau, chăm chỉ luyện tập và trở nên thành thạo sau 1 năm. Vì không có tay, Yang phải mất 2 tháng để hoàn thành bức tranh mà người bình thường có thể xong trong 10 ngày.
Nhờ sự nỗ lực phi thường, bức tranh đầu tiên của Yang được bán với giá 600 NDT (hơn 2,1 triệu đồng). Đây là số tiền lớn nhất mà cô từng kiếm được và là nguồn động lực lớn đối với cô. Từ đó, Yang càng quyết tâm hơn trong việc phát triển khả năng của mình.
Yang bắt đầu nghỉ bán báo, thuê một chỗ ven đường rồi dựng sạp bán tranh thêu chữ thập. Dần dà, người đi đường nhìn thấy kỹ năng thêu bằng chân điêu luyện của Yang nên đến ủng hộ cô ngày càng đông.
Với sự nỗ lực không ngừng, Yang đã kiếm được tiền lo cho em trai ăn học, gửi về cho gia đình hằng tháng. Đến khi sàn thương mại điện tử phát triển, Yang đã hợp tác với người khác để mở rộng công việc kinh doanh.
Tại văn phòng làm việc, cô khiến người khác bất ngờ vì khả năng gõ bàn phím bằng chân. Năm 2014, Yang mở công ty thêu và trở thành CEO năm 24 tuổi. Công ty của Yang không ngừng phát triển và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật khác.
Yang còn tìm được một người đàn ông thật sự yêu thương mình. Cả hai đã đi đến kết hôn, cùng phát triển công việc kinh doanh và chuẩn bị thụ tinh nhân tạo để sớm có con.