Có được nghỉ hưu ở tuổi 45?
Người lao động nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành thì được hưởng lương hưu.
Ông Lê Văn Minh (TP. Hồ Chí Minh) sinh năm 1971, làm việc tại 1 Công ty thuộc Sân bay Tân Sơn Nhất từ năm 1992 đến nay, có 24 năm đóng BHXH thuộc diện lao động nặng nhọc độc hại. Từ đầu năm 2016 đến nay, ông Minh xin nghỉ không lương vì bị thoái vị đĩa đệm. Nay, ông Minh muốn xin nghỉ việc luôn.
Ông Minh hỏi, trường hợp của ông có được nghỉ hưu ở tuổi 45 không? Nếu không được nghỉ hưu thì ông nghỉ việc, chốt sổ BHXH để chờ nghỉ hưu có được không? Cần làm gì để được nghỉ hưu, có phải giám định sức khỏe không, giám định ở đâu? Tỷ lệ hưởng lương hưu như thế nào?
Về vấn đề này, BHXH TP. Hồ Chí Minh trả lời như sau :
Điều kiện nghỉ hưu
Theo Điều 54 Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành thì được hưởng lương hưu. Đối chiếu quy định trên, đến thời điểm này ông chưa đủ điều kiện nghỉ hưu do chưa đủ 55 tuổi. Nếu nghỉ việc, khi đủ 55 tuổi ông liên hệ cơ quan BHXH nơi cư trú để được hướng dẫn thủ tục và nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ hưu trí.
Theo Điều 55 Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Như vậy, khi đủ 50 tuổi mà ông bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được hưởng lương hưu. Việc đi giám định khả năng lao động do ông tự liên hệ với Hội đồng Giám định y khoa TP. Hồ Chí Minh để được hướng dẫn thủ tục.
Mức lương hưu hàng tháng
Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54, 55 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, giả sử nếu thời gian đóng BHXH vẫn là 24 năm, nếu nghỉ hưu theo Điều 54 Luật BHXH (đủ 60 tuổi vào năm 2031) thì tỷ lệ % lương hưu của ông là 53% (20 năm đầu = 45%, 4 năm sau đó = 8%); nếu đủ điều kiện nghỉ hưu theo Điều 55 (đủ 50 vào năm 2021) thì tỷ lệ lương hưu của ông là 55% (19 năm đầu 45%, 5 năm sau đó = 10%) nhưng vì nghỉ hưu trước tuổi quy định 5 năm (do làm nghề công việc nặng nhọc, độc hại) nên bị trừ tương ứng mỗi năm 2% do đó tỷ lệ lương hưu của ông còn 45%. Do tính cho tương lai nên chỉ mang tính tham khảo không phải là kết quả chính xác cuối cùng vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác (số năm đóng BHXH, thời điểm nghỉ hưu…).
Chinhphu.vn